Đến cuối 2020, Bình Dương có 5.000 hộ được giảm nghèo

Trong 5 năm qua, thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp, cách làm hay hỗ trợ cho người nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục và y tế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, chương trình xoá đói giảm nghèo ở tỉnh được xem là một chương trình mục tiêu quốc gia nên các các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện và phát động toàn dân tham gia chương trình nhằm giúp cho các hộ nghèo, người nghèo nhanh chóng thoát nghèo, làm giàu chính đáng góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Đến cuối 2020, Bình Dương có 5.000 hộ được giảm nghèo - Ảnh 1.

Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thoát nghèo khi tận dụng tốt nguồn vốn của địa phương cho vay để sản xuất, kinh doanh. Ảnh V.D

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, để giảm nghèo hiệu quả, cần xác định và hiểu rõ nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt được nhu cầu, từ đó hướng dẫn cách làm ăn và sử dụng nguồn vốn thiết thực cho người nghèo, cận nghèo.

Giảm nghèo cần gắn liền với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đặc biệt cần làm tốt công tác vận động tuyên truyền người dân cùng thực hiện chương trình giảm nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau.

Với phương châm: "Bằng nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề… đối với người nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo", công tác xóa đói giảm nghèo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Dương mỗi năm đều có những thay đổi tích cực bằng các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương.

Mỗi địa phương đưa ra chính sách giảm nghèo và giải quyết việc làm thích hợp nhất. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì công tác xóa đói giảm nghèo ở Bình Dương đã được xã hội hóa bằng nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những hộ nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Các ngành chức năng của tỉnh luôn thực hiện tốt việc khảo sát thống kê, phân loại hộ nghèo, tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với Ban vận động "Ngày vì người nghèo" giúp đỡ thiết thực, phù hợp cho từng hộ nghèo…

Bình Dương đã có nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo tiêu biểu, nhiều phong trào xã hội hóa trong chương trình xóa đói giảm nghèo, nhiều tấm lòng hảo tâm hướng về người nghèo như: Những mô hình trợ giúp người nghèo ở khu dân cư; Phương thức trợ vốn qua chương trình cho vay vốn không tính lãi của các hội, đoàn thể; Phong trào xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo đã giúp hộ nghèo thấy được mình phải có trách nhiệm và phấn đấu hơn nữa, không trông chờ ỷ lại để phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Trong các chính sách tạo bước đột phá trong chương trình xóa đói giảm nghèo ở Bình Dương thì có thể kể một số chính sách thực hiện hiệu quả như cấp kinh phí đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ.

Một số chính sách an sinh xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, hỗ trợ hộ cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên được xét vay nguồn vốn ưu đãi. Đặc biệt, chính sách cứu trợ thường xuyên tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng yếu thế, trong đó đã có nhiều người hưởng chính sách này mà thoát nghèo.

"An cư lạc nghiệp" là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xem là một trong những chính sách riêng của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ quỹ vì người nghèo ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Với những giải pháp đã thực hiện, từ năm 2016-2020, tỉnh Bình Dương đã giảm được 3.102 hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh này sẽ giảm được 4.556 hộ nghèo, bảo đảm giảm tỉ lệ hộ nghèo theo mục tiêu của giai đoạn đề ra, cơ bản không có hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, không có hộ tái nghèo.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, để làm tốt công tác xoá đói giảm nghèo và đạt được kết quả như hôm nay, trước hết phải kể đến những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt thời gian qua, kinh tế phát triển là tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo.

Cùng với đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ đối với công tác giảm nghèo với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội" và việc triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.

Let's block ads! (Why?)