Chuyện "4 vùng chiến thuật" nuôi loài chim tiền tỷ ở Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang đã có trên 2.000 nhà nuôi chim yến, trở thành tỉnh có tốc độ phát triển nhanh và lớn nhất cả nước. Dân thì “chạy” theo đuôi chim phát triển ồ ạt, chính quyền lại ban hành quy định quản lý, có những điều khoản như đang kìm hãm phát triển, tạo nên một mâu thuẫn lớn giữa địa phương và người dân chăn nuôi

Bài 3: “4 vùng chiến thuật” nuôi yến của Kiên Giang

 chuyen "4 vung chien thuat" nuoi loai chim tien ty o kien giang hinh anh 1

Trong một diện tích rất nhỏ nhưng có gần 10 nhà nuôi chim yến tại xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hải Luận

Nuôi yến thời công nghệ 4.0

Ông Lê Hiểu đã có 3 nhà nuôi chim yến, mỗi tháng thu hoạch trung bình 7-8kg tổ yến, tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Qua nghiên cứu địa hình, ông Hiểu đầu tư thêm 4 nhà yến nữa tại xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, tạo thành chuỗi 7 nhà nuôi yến. Ông Hiểu bật mí: “Tôi tiếp tục đầu tư nhà yến ở vùng Kiên Giang cho đủ 10 nhà, khu vực này hội đủ các yếu tố để đầu tư lớn”.

- Yến là loại hình chăn nuôi mới và rất khó dẫn dụ, khi phát triển thành chuỗi nhiều nhà, anh quản lý nó bằng cách nào? – Tôi hỏi.

- Những năm gần đây đã ứng dụng công nghệ vào nhà nuôi chim yến rất mạnh mẽ: Hệ thống các loại loa phát âm thanh dẫn dụ chim có nhiều cải tiến, hệ thống quản lý nhiệt độ, độ ẩm, sức gió..., trong nhà yến đã có máy đo và xử lý tự động hóa. Tất cả mọi ngõ ngách bên trong nhà yến và bên ngoài đều gắn camera quan sát cả ban ngày và ban đêm. Dù mình đang ở đâu cũng quan sát được chim yến bay vào, bay ra, dạo chơi hay nó ở lại làm tổ lâu dài, qua chiếc điện thoại di động có kết nối mạng.

- Anh cho một vài ví dụ thật dễ hiểu?

- Nhiệt độ thích hợp trong nhà nuôi yến từ 27 – 29oC và được lập trình vào bộ điều khiển toàn nhà. Nếu nhiệt độ cao trên 29oC, bộ điều khiển lập tức bật máy phun nước dạng sương mù lên khắp cả tầng. Nhiệt độ xuống dưới 29oC, máy tự ngắt. 

- Nhà nuôi chim yến quá hoàn chỉnh như vậy, tại sao có nhiều người đầu tư vẫn bị thất bại như thường?

- Đặc tính chim yến thích sống theo bầy đàn, khó nhất là những nhà mới xây dựng, công việc dẫn dụ phải diễn ra giống như thật ở ngoài tự nhiên. Yến nó khôn lắm, hằng ngày nó cứ bay vào, bay ra nhiều lần “tham quan”, “dò xét”, thấy thực sự an toàn, nó mới ở. Chỉ cần trục trặc âm thanh dẫn dụ chim nó “chê” liền.

"Ví dụ, loa dẫn dụ bên ngoài cửa, loa ru bên trong nhà phát ra bị “méo tiếng”, giống như người “nói ngọng”. Loa bị “méo tiếng” chẳng bao giờ có chim ở nhiều, đôi khi chim nhận ra “đồ lừa” nó. Rồi ánh sáng trong nhà yến quá lớn cũng ảnh hưởng đến việc dẫn dụ. Tóm lại, kỹ thuật nhà yến cực kỳ quan trọng, phải có kiến thức hiểu biết về nó, không đùa được đâu...", ông Lê Hiểu.

Theo kinh nghiệm của ông Hiểu, khi nhà nuôi yến đi vào vận hành được 15 ngày, chủ nhà lập “hồ sơ lý lịch” toàn bộ nhà yến. Nghĩa là phải theo dõi sát chim yến bay đảo ở bên ngoài như thế nào, phía trong nhà đánh dấu những chỗ chim ở (theo dấu phân chim rơi xuống sàn).

Cách làm này để xác định vị trí loa dẫn dụ nào bị “méo tiếng” hoặc mất tiếng (bên trong nhà yến có cả ngàn loa nhỏ), mùi dẫn dụ, ánh sáng không đảm bảo... Từ đó mới có phương án điều chỉnh phù hợp. 

Ông Lưu Văn Tiền, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, nêu kinh nghiệm: “Cần xác định rõ, nghề nuôi chim yến ở giai đoạn đầu chưa có thu nhập gì. Nhiều người mới vào nuôi chưa có kinh nghiệm, mấy tháng đầu dẫn dụ, ngày nào cũng lên sàn nhà “dòm ngó” xem có chim vào ở chưa? Đôi khi cả năm chỉ có vài cặp chim đến ở, quá nôn nóng muốn có nhiều chim về làm tổ ngay, vội vã kêu người đến đập sửa chữa nhà, thay thiết bị, làm như vậy chẳng khác nào chủ nhà thường xuyên đi “đuổi” chim. Thật yên tĩnh, thật an toàn, chim mới đến ở”.

Thực tiễn và quản lý còn “vênh nhau”

Năm 2016, HĐND tỉnh Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 61 về điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp – nông thôn gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong nghị quyết này có đề cập đến định hướng và quy hoạch phát triển nghề chăn nuôi chim yến.

Ông Nguyễn Xuân Niệm phân tích: “Phải khẳng định rằng, do điều kiện tự nhiên ưu đãi cho tỉnh Kiên Giang, người dân đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng xây dựng những ngôi nhà cao tầng, hoặc cải tạo, cơi nới thêm tầng trên nhà ở, nhà nghỉ, khách sạn làm chuồng nuôi yến. Nghề nuôi yến đang trở thành một ngành mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi và cải thiện thu nhập cao cho người dân trong tỉnh”. 

- Nhà nước có đầu tư hoặc hỗ trợ cơ sở hạ tầng gì không? – Tôi hỏi.

- Toàn bộ người dân đã tự nghĩ ra và đầu tư hết rồi. Nhà nước chỉ “hà hơi” theo người dân thôi.

- Kiên Giang đang trên đà phát triển cực mạnh nghề nuôi yến, chẳng lẽ chính quyền bỏ lơ mỏ “vàng trắng” tuyệt vời này?

- Làm sao có chuyện bỏ lơ được. UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định bỏ tiền ra đặt hàng 6 nội dung, kêu gọi các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia xây dựng công nghệ nhà yến đạt hiệu quả tối ưu; phát triển âm thanh dẫn dụ bằng sóng siêu âm (thay thế tiếng loa hiện nay gây ồn); sản xuất thức ăn cho chim yến; chế biến các sản phẩm từ tổ yến; nuôi và ấp trứng nhân tạo; phát triển thị trường tiêu thụ bền vững.

 chuyen "4 vung chien thuat" nuoi loai chim tien ty o kien giang hinh anh 2

Trước tốc độ phát triển nghề nuôi yến quá “nóng”, ngày 21-9-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã ký Quyết định số 22 về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Trong quyết định này, cấm người dân nuôi chim yến trong đô thị và khu dân cư đông đúc. Đồng thời đưa ra nhiều điều kiện “khó” khi xây dựng nhà yến mới, tại Điều 5 quy định: “Các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà nuôi chim yến... phải có giấy phép xây dựng theo quy định”.

Trong khu dân cư tỉnh cấm phát triển nhà yến mới, người nuôi yến phải ra ngoài đồng ruộng, không thuộc diện quy hoạch đất ở nông thôn. Đã đất nông nghiệp thì làm sao Nhà nước cấp giấy chứng nhận đất thổ cư, mà không có đất thổ cư thì chính quyền không thể cấp giấy phép xây dựng (?).

Người nuôi yến cũng thắc mắc về qui định: “... Nhà nuôi yến từ 50m2 đến dưới 500m2, phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường (trước khi bắt đầu nuôi) gửi UBND cấp huyện xem xét, xác nhận. Nuôi từ 500m2 trở lên, phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án (trước khi bắt đầu xây dựng nhà nuôi yến) theo quy định”.

Ông Lê Hiểu, người nuôi yến lâu năm, nêu ra vấn đề thực tế: “Chim yến là loại động vật hoang dã, nó bay cả ngày trên trời, mình làm nhà ra dẫn dụ nó về. Thậm chí, nhà xây xong vận hành cả năm trời chẳng có mấy con vào ở. Trong quá trình dùng tiếng loa dẫn dụ, con người luôn luôn tránh né xa nó. Tỉnh Kiên Giang yêu cầu người dân nuôi chim yến phải lập báo cáo, đánh giá tác động môi trường trình cấp huyện xem xét và đòi có giấy phép xây dựng ở đất nông nghiệp là điều xa rời với thực tiễn...".

"Chẳng khác nào tỉnh Kiên Giang đang đi cấm phát triển nghề nuôi chim yến? Thực ra, đây là một loại hình chăn nuôi mới, Nhà nước nên khuyến khích để người dân đầu tư mở những trang trại lớn tại các vùng đất nông nghiệp, là đất phèn, đất miễn mặn bỏ hoang hàng chục năm nay...", ông Lê Hiểu.

Tag:  chim yến, nuôi chim yến, làm nhà nuôi yến, dẫn dụ chim yến, quản lý nuôi chim yến, loài chim tiền tỷ, nuôi loài chim tiền tỷ, nhà yến, nuôi yến ở Kiên Giang, huyện Hòn Đất, huyện U Minh Thượng