(Dân Việt) Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, qua suy ngẫm thấy phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về chống tham nhũng thấy thể hiện hai điều quan trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp ngày 26/7 (ảnh TTXVN).
Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 26.7), một lần nữa thông điệp chống tham nhũng lại được truyền đi mạnh mẽ. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước khẳng định, trong thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) không hề dừng lại, không hề nghỉ ngơi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, một trong những điều quý nhất là phương thức, cách làm ngày càng bài bản, đi vào nền nếp hơn.
Trước đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nói, chống tham nhũng ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm, đến phiên họp ngày 26/7, ông nhắc lại nếu ai dao động, ngập ngừng thì tự báo cáo xin thôi.
Còn nhớ vào ngày 14/5, sau thời gian chữa bệnh, khi đi làm trở lại, trong phiên họp cán bộ chủ chốt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh tới việc phải tiếp tục cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, kết quả đấu tranh PCTN trong thời gian qua và phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đó là nguồn động lực quan trọng cho những người đang đứng đầu trên tuyến đầu của cuộc chiến PCTN. “Đồng thời cũng là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân trực tuyến, gián tiếp tham gia cuộc chiến này. Đây là cuộc chiến đấu hết sức cam go, phức tạp, như Bác Hồ từng nói đó chính là giặc nội xâm. Đánh giặc nội xâm khó khăn hơn, nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, dai dẳng hơn so với giặc ngoại xâm”, Thiếu tướng Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh IT).
Vẫn theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, qua suy ngẫm thấy phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác PCTN thấy thể hiện hai điều. “Thứ nhất, trên cơ sở của cuộc đấu tranh PCTN trong hơn 2 năm rưỡi vừa qua kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, kết quả khác hẳn so với thời gian trước đây. Điều đó đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đấu tranh PCTN, tạo ra khí thế mới, tạo ra tình huống chính trị mới. Vấn đề thứ hai là thành quả của cuộc đấu tranh PCTN trong thời gian qua đã cho phép Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói riêng và Đảng ta nói chung thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng mạnh hơn nữa nên càng không có chuyện trùng xuống”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Ông cho rằng, tín hiệu nêu trên đã gieo vào người dân, cán bộ, đảng viên một tình cảm, cảm hứng, củng cố thêm niềm tin. “Có thể nói phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có rất nhiều ý nghĩa cả về chính trị, xã hội, cả trong nước và quốc tế. Đây cũng là lời gián tiếp phản bác khi ở đâu đó còn những luận điệu phản tuyên truyền cho rằng chúng ta một đảng thì không chống tham nhũng được. Có thể nói những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá như vậy không còn chỗ để tồn tại, hay nói cách khác luận điệu đó không tạo được ảnh hưởng gì trong bối cảnh hiện nay”, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an nói.
Nhìn vào kết quả tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, đây là con số lớn hơn rất nhiều lần so với những năm trước đây. Bên cạnh đó, nguồn tài sản thu được trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cho dù chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng con số đó đã ngày càng lớn. Điều đó cho thấy việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng ngày càng đạt được hiệu quả nhất định.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, từ đầu năm đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018). Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 01 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra, ban hành kết luận thanh tra các dự án, vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo... |
Tag: tổng bí thư, chủ tịch nước, nguyễn phú trọng, chống tham nhũng, tương lê văn cương, quyết tâm chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ,
Đăng nhận xét