Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và món nợ cuối cùng phải trả cho cuộc chiến

Cuộc chiến nào cũng nhiều hy sinh mất mát, người lính trên chiến trường luôn cận kệ với cái chết trong gang tấc hàng ngày, hàng giờ. Ông có thấy mình quá may mắn khi trở về gần như lành lặn?

- Trải qua suốt chiều dài cuộc chiến, tôi nghĩ mình may mắn thoát chết, chỉ bị vài vết thương nhẹ ở phần mềm, bởi nhiều điều, nhưng có một số lý do chính. Trước khi gia nhập quân đội, trong tôi đã được định hình, hun đúc sẵn một tinh thần yêu nước, quyết tử cho đất nước mà mình thẩm thấu được khi đọc những tác phẩm kinh điển của văn học Pháp, Nga… như Tarat Bumba, Những người khốn khổ hay Thép đã tôi thế đấy, Nữ anh hùng Gian đa…

Bên cạnh đó, cậu tôi cũng vẫn luôn nói với tôi quan niệm về một kẻ trượng phu: “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao…”.

Thế nên tôi ra trận, cũng như hàng trăm, hàng nghìn người lính khác suy nghĩ về cái chết, sự hy sinh cho tình yêu Tổ quốc nhẹ nhàng lắm. Nó như một điều có thể phải xảy ra nếu anh yêu đất nước, nhân dân, đồng đội hết lòng, mà bất cứ ai rồi cũng sẽ phải nếm náp cái địa ngục trên dặm trường dấn thân.

Rồi sau nay, khi đã trở thành người lính, lời thề trung thành với Tổ quốc trở nên vô cùng thiêng liêng. Những lúc khó khăn, thiếu thốn ngoài mặt trận, tưởng chừng như không vượt qua được thì chính tình đồng đội đã níu kéo mình lại, hun đúc tạo ra bản lĩnh người chiến binh thực sự, dù thú thực đã có những lúc khổ quá, đói quá, cũng nghĩ tới chuyện bỏ trốn về nhà ít bữa.

Thời điểm mới vào chiến trường, cũng có lúc tinh thần cũng bị dao động. Ra mặt trận chiến đấu thấy ác liệt quá, bệnh tật sốt rừng nguy hiểm và đói rách vô cùng. Ra Quảng Bình an dưỡng, lại có một vài lời rủ rê tự về phép, tôi cũng băn khoăn, do dự nghĩ: hay mình bỏ về phép thăm mợ vài hôm.

Nhưng rồi nhớ lời cha mẹ, lại thấy đồng đội đang chiến đấu, những người đã vào sinh ra tử cùng mình, nhiều khi còn nhường cả đồ ăn và cả sự sống cho mình, sao có thể bỏ họ mà đi được?

 

Ông luôn tâm niệm “Không có con đường nào là đường cùng, ở cuối đường hầm sẽ luôn có một lối thoát”. Suy nghĩ này đã cứu ông thoát chết nhiều lần hay chính từ những lần thoát khỏi tay tử thần, ông mới chiêm nghiệm như vậy?

- Là cả hai. Tôi tâm niệm như vậy là vì khi trải qua cuộc chiến gian khổ, tôi càng thấy thấm thía hơn. Có những lúc tôi bị lạc rừng, giặc tứ bề, trong tình thế như vậy càng phải bình tĩnh để tìm lối thoát. Tôi nhớ lần tôi và Quý, một cậu sinh viên vừa xung phong vào chiến trường bị lạc ở hạ Lào (trong cuộc chiến Nam Lào). Lúc đó trời mưa to, cậu ấy lại bị thương khá nặng ở đùi và bị ngấm nước mưa nên rét, mặt mũi tái nhợt, người run lên từng chặp.

Cậu ấy thều thào nói với tôi: “Em chết mất” rồi liên tục gọi mẹ. Tôi là lính cựu nên cố động viên cậu tân binh “Có tao, chúng ta sẽ không chết ở đây. Mày đừng sợ”.

May mắn sao chúng tôi đã tìm được một căn hầm chữ A của bộ đội ta. Tôi để cậu ấy nằm trong hầm và ra ngoài tìm cây xăng lẻ bóc vỏ mang về nhóm lửa. Nhưng do mưa ướt, nên vỏ cây khó cháy.

Đang không biết phải làm sao thì tôi chợt nhớ trong balo còn nhiều giấy tờ chép lời bài hát, bài thơ thời chiến của Tố Hữu, Phạm Tiến Duật… và cả những lá thư cậu tôi gửi cho tôi, chép các bài thơ Đường...

Nuốt nước mắt vì tiếc, tôi gom toàn bộ các giấy tờ đó để nhóm lửa. Vừa đốt, tôi vừa đọc thơ cho Quý nghe và giấu những giọt nước mắt âm thầm rơi. Khi đọc đến bài thơ tôi viết tặng bố tôi đúng vào dịp ông tròn 60 tuổi, tôi không kìm được xúc động khóc thành tiếng. Bài thơ đấy cho đến giờ tôi vẫn còn thuộc nằm lòng:

 

Nhờ đốt lửa, có hơi ấm Quý hết lạnh và ngủ thiếp đi. Sáng sau địch rút, chúng tôi dìu nhau tìm được đội công binh, gửi Quý về trạm phẫu thuật còn tôi lại trở về đơn vị.

Bản thân tôi cũng từng đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết đôi lần. Tôi nhớ vào năm 1972, khi tôi cùng những người lính của trung đội 12 li 7 vây đánh Khung – Xê – Đôn (Nam Lào). Lúc bấy giờ Sở Chỉ huy tiểu đoàn đang bị quân đội địch, Thái Lan và Lào vây đánh. Sở Chỉ huy cấp báo gọi cứu viện bộ binh nhưng vì họ cách khá xa, không thể đến kịp để giải vây, trong khi trung đội 12 li 7 của chúng tôi cách Sở Chỉ huy tiểu đoàn 2km. Chúng tôi lập tức về để giải cứu Sở Chỉ huy.

Tôi và một đồng chí nữa tên Đức đã dóng súng máy 12 li 7 bắn thắng vào Sở Chỉ huy của địch. Núng thế, địch gọi 4 máy bay A37 đến cứu viện.

Bốn chiếc A37 có máy bay L19 chỉ điểm, thả một loạt bom 12 quả, vào đúng nơi hai khẩu 12 li 7 đang gá ở tư thế bắn bộ binh. Tôi và Đức là xạ thủ không thể bỏ chạy, biết chết vẫn liều ở lại chỗ súng máy. Hai thằng nằm ngửa nhìn quả bom tròn xoe đang rơi xoáy đúng chỗ nằm. Trong tích tắc tôi thầm nghĩ vậy là mình sẽ chết…

Tôi bình tĩnh đón chờ cái chết và đếm: 1 giây, 2 giây, 3 giây... Đến giây thứ 7 theo quán tính tôi ôm đầu cúi xuống thật thấp, nghe tiếng nổ lộng óc, đất đá mảnh đạn bay rào rào. May mắn sao, quả bom bay chệch chỗ tôi và Đức trong gang tấc, thổi đổ nghiêng khẩu 12 li 7. Tôi bị sức ép bắn đi vài mét, còn Đức chỉ bị thương nhẹ.