(Dân Việt) Tuyên truyền kiến thức, hỗ trợ phát triển kinh tế là những biện pháp hiệu quả mà các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã thực hiện, giúp chị em nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực gia đình (BLGĐ).
Mô hình điểm phát huy hiệu quả
Đại Phác là một trong những xã điểm của huyện Văn Yên (Yên Bái) về thực hiện phòng chống BLGĐ. Hiện tại toàn xã Đại Phác đã thành lập và duy trì hoạt động của 5 câu lạc bộ (CLB) phòng chống BLGĐ, xây dựng gia đình phát triển bền vững. Sau 9 năm thành lập, tới nay các CLB này đã thu hút được
Một buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục tại xã Hưng Khánh (Yên Bái). Ảnh: Minh Nguyệt
"Năm 2018, cấp Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã tư vấn hỗ trợ trực tiếp qua đường dây nóng giúp đỡ cho 76 nạn nhân, duy trì trên 500 mô hình "địa chỉ tin cậy tại công đồng" và các câu lạc bộ phòng chống BLGĐ, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”. Bà Phạm Thị Thanh Bình |
Bà Hoàng Thị Bình - Chủ nhiệm CLB cho biết, đây không chỉ là nơi triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng chống BLGĐ, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, sức khỏe sinh sản, nuôi con khỏe, dạy con ngoan… mà còn là nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí của các gia đình trong cộng đồng dân cư.
"Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ, CLB còn tổ chức hội thi tuyên truyền kiến thức phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống gia đình hay giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian tập thể tạo sự gắn kết, đồng lòng giữa các cặp vợ chồng… Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ BLGĐ, gia tăng sự đoàn kết, tạo không khí vui vẻ trong thôn”.
Chị Nguyễn Thị Ngân - một thành viên trong CLB cho biết: “Từ ngày tham gia CLB, tôi biết cách để xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc con cái. Đặc biệt qua CLB nhiều chị em đã tư vấn hỗ trợ nhau cách phòng chống BLGĐ, ứng xử khi bị chồng đánh mắng”.
Thống kê của Hội LHPN tỉnh Yên Bái cho thấy, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 500 vụ ly hôn, trong đó trên 55% số vụ nguyên nhân từ đánh đập, ngược đãi. Thông qua các địa chỉ tin cậy, tổ hòa giải cơ sở và hoạt động của các ngành, trong năm 2018 các đoàn thể đã tham gia phối hợp giải quyết 312 vụ liên quan đến BLGĐ; đưa 595 người bị BLGĐ được tiếp nhận, chăm sóc tại các cơ sở y tế. Có 459 người bị BLGĐ và 459 người gây BLGĐ được tư vấn. Tòa án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử được 34 vụ liên quan đến BLGĐ và 6 vụ xâm hại tình dục với trẻ em gái.
Thiếu hiểu biết làm gia tăng bạo lực
Bà Phạm Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, song song với việc vận động, tuyên truyền kiến thức pháp luật liên quan tới bình đẳng giới thì Hội Phụ nữ tỉnh cũng tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn phòng ngừa BLGĐ. Gần đây nhất, tháng 6/2019 Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam và huyện Trấn Yên tổ chức buổi truyền thông về phòng chống BLGĐ, xâm hại tình dục và mua bán người cho hội viên phụ nữ các xã Hưng Khánh, Hưng thịnh, Lương Thịnh, Hồng Ca.
“Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ các nhóm phụ nữ có nguy cơ cao trong việc phát triển kinh tế nhằm hạn chế BLGĐ thông qua các hình thức vay vốn, phát triển kinh tế. Có thể kể tên như mô hình làm thổ cẩm, đan rọ tôm, đan cói, chăn nuôi dê, bò, lợn, gà tại các địa phương” - bà Bình nói.
Theo bà Bình, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng BLGĐ còn diễn ra là do đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ học vấn thấp, công ăn việc làm của bà con không ổn định. Ngoài ra, người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật, do lạm dụng rượu bia và các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, nghiện ma túy, ngoại tình, ghen tuông, gia trưởng…
“Thời gian tới các cấp hội sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông, hỗ trợ tư vấn cho nạn nhân và phụ nữ để phòng ngừa và ứng phó với BLGĐ. Quan trọng nhất là giúp chị em nâng cao năng lực tự phòng ngừa” - bà Bình nói.
Đăng nhận xét