(Dân Việt) Phát triển làng nghề truyền thống ở Cà Mau không chỉ góp phần duy trì nét đẹp văn hóa địa phương, mà còn tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc phát triển làng nghề ở vùng Đất Mũi còn gặp không ít khó khăn.
Đổi mới để tồn tại và phát triển
Theo Quyết định 1206/QĐ-UBND ngày 20/8/2008 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 37 làng nghề. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng 13 làng nghề.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Cà Mau, nguyên nhân giảm số lượng làng nghề là do khan hiếm nguyên liệu; chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi; đầu ra sản phẩm các làng nghề còn hạn chế về số lượng; giá thành bấp bênh và sức cạnh tranh thấp… Từ đó dẫn đến không ít làng nghề không thể tự đổi mới mô hình hoạt động và phải chuyển đổi sang nghề khác.
Nghề làm khô biển ở Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau). (ảnh: Chúc Ly)
Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của gần 1.700 lao động, hơn 430 hộ đang làm việc ở các ngành, nghề mang tính truyền thống của địa phương.
Làng chiếu Tân Thành (TP.Cà Mau) một thời không chỉ nổi danh về chất lượng, mà còn mang đậm giá trị văn hoá vùng sông nước. Nhưng, ngày nay, làng chiếu đã không còn nhiều người theo nghề, nét đặc trưng của một làng nghề truyền thống trứ danh ngày nào cũng vì thế dần phai nhạt.
Bà Cao Thị Loan (ngụ ấp 6, xã Tân Thành, TP.Cà Mau), một trong số ít người theo nghề, chia sẻ: “Trước đây, làng nghề này rất phát triển, chiếu Cà Mau có mặt khắp các tỉnh Nam Bộ. Còn hiện tại, công việc chỉ mang tính cầm chừng, thời vụ, vì thế đời sống người làm chiếu khá bấp bênh”.
Tại huyện Thới Bình, đan đát các sản phẩm từ trúc, tre là nghề truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, khó khăn về nguyên liệu, đầu ra… khiến nghề gặp khó. Thời gian gần đây, nhiều người theo nghề đã thay đổi cả về mẫu mã và hình thức sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.
Trong đó, mô hình của câu lạc bộ (CLB) dạy nghề đan đát cho người khuyết tật xã Tân Bằng, huyện Thới Bình là một điển hình tiêu biểu về sự năng động để thích ứng và phát triển. CLB được thành lập vào tháng 6/2016, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có việc làm phù hợp với sức khoẻ và ổn định cuộc sống.
Đến nay, CLB đã hơn 50 người tham gia. Nhờ sự năng động trong tìm kiếm đối tác, cuối năm 2018, CLB đã liên kết với một doanh nghiệp tại TP.HCM để nhận làm gia công các sản phẩm giỏ bằng lục bình và dây chuối với số lượng lớn.
Theo ông Cao Ngọc Phẩm - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Bằng, công ty này cung cấp nguyên liệu, chị em làm được trả công theo sản phẩm (khoảng 18.000 đồng/sản phẩm). Hiện, CLB và công ty này đang có hướng mở rộng quy mô, ký hợp đồng dài hạn với người lao động.
Nhiều trở lực cần tháo gỡ
Theo đánh giá của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau, nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề nông thôn đã có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển các làng nghề nông thôn trên địa bàn còn nhiều khó khăn.
Trong đó, vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các làng, nghề bị thu hẹp, do chuyển dịch sản xuất, cây trồng. Chất lượng một số sản phẩm chưa cao, không đồng đều và việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ làng nghề còn thiếu và chưa thống nhất…
Theo đánh giá của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề nông thôn đã có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển các làng nghề nông thôn trên địa bàn còn nhiều khó khăn. |
Bên cạnh đó, năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh của một số chủ hộ chưa cao, hoạt động của các cơ sở còn nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Thực trạng sản xuất nhỏ lẻ còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong đó, các làng nghề chế biến như tôm khô, cá khô khoai, mắm, ép chuối... là nhóm có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao từ khí thải, nước thải và chất thải rắn.
Kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn cho thấy, chất lượng môi trường hầu hết khu vực sản xuất trong các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, các làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải và rác thải.
Thấy được thực trạng này, Sở NNPTNT Cà Mau đã đưa ra giải pháp khắc phục, tăng cường công tác giám sát và thẩm định các kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động của các cơ sở sản xuất làng nghề có ảnh hưởng tới môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Sở đã và đang tiếp tục kết hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả”.
Trong khi đó, theo ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, Cà Mau sẽ tập trung một số công việc quan trọng như: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch làng nghề nông thôn đến năm 2020 và định hướng những năm tiếp theo, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, có chính sách đầu tư hợp lý; đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nét đặc trưng của địa phương.
Tag: làng nghề ở Cà Mau, mai một làng nghề đất Mũi, phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề dệt chiếu, đan lát
Đăng nhận xét