(Dân Việt) Với khả năng nhớ gọn ghẽ 2.808 lá bài xáo trộn (54 bộ bài), việc giành chiến thắng trong các trận “đỏ đen” không hề khó với ông Dominic O’Brien.
Clip ông Dominic O’Brien tại cuộc thi Siêu trí nhớ Việt Nam tháng 7/2019. (Thực hiện: Vietnam Records)
Vừa qua, ông Dominic O’Brien (62 tuổi, quốc tịch Anh) - người có khả năng ghi nhớ thứ tự của 2.808 lá bài đảo ngẫu nhiên (tức 54 bộ bài), đã sang Việt Nam làm trọng tài cuộc thi Siêu trí nhớ của Việt Nam.
Trong thời gian ông Dominic ở Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông về hành trình trở thành người có trí nhớ tốt nhất thế giới với 8 lần vô địch thế giới, phương pháp ghi nhớ của ông cũng như những câu chuyện thú vị xung quanh khả năng ghi nhớ siêu hạng.
Chào ông Dominic O’Brien, tôi đã xem chương trình về ông trên các kênh truyền thông với rất nhiều thông tin thú vị. Nhân cơ hội ông sang Việt Nam đợt này, tôi rất mong được nghe chính ông kể lại hành trình ông đến với bộ môn siêu trí nhớ diễn ra như thế nào?
Tôi bắt đầu thích bộ môn trí nhớ và luyện tập nó từ năm 1987, khi tôi xem một chương trình truyền hình và thấy một người đàn ông ghi nhớ được cả bộ bài. Phải nói lúc đó, đó là điều thú vị nhất mà tôi từng xem.
Ông Dominic O’Brien (ngồi giữa) sang Việt Nam làm trọng tài cuộc thi siêu trí nhớ theo lời mời của Chủ tịch Tổ chức Siêu trí nhớ Việt Nam Nguyễn Phùng Phong (bên trái).
Sau đó tôi nỗ lực tìm cách ghi nhớ bộ bài như họ nhưng không tài nào làm được. Tôi bèn đến thư viện tìm sách về các phương pháp huấn luyện trí nhớ để đọc. Nhưng hồi năm 1987 thì không có sách nào như vậy cả, nên tôi phải tự tìm tòi xem sẽ chinh phục thử thách này như thế nào.
Sau một vài ngày thì tôi phát hiện ra rằng, mình phải tạo ra một câu chuyện ở các địa điểm quen thuộc rồi sau đó sử dụng trí tưởng tượng của mình để ghi nhớ. Tôi đã bắt đầu rất chậm nhưng tốc độ dần nhanh lên, đến mức tôi đã ghi tên vào danh Sách Kỷ lục Guinness Thế giới và thắng cuộc thi “Siêu trí nhớ thế giới” lần đầu tiên vào năm 1991, sau này là kỷ lục 2.808 lá bài vào năm 2003.
Đó là cách tôi bén duyên với bộ môn này, qua một chương trình truyền hình.
Nói vậy, những thành tích đó đã giúp cuộc đời của ông “sang trang”?
Đúng vậy! Không có bộ môn này thì cuộc sống của tôi sẽ tồi tệ lắm nhưng bạn thấy không, tôi đang ở Việt Nam đây này. Với tôi, mọi thứ đã thay đổi vào năm 1991 bắt đầu chỉ bằng một bộ bài. Bây giờ, tôi đang đi vòng quanh thế giới để truyền tải lại những kiến thức, kinh nghiệm của mình.
Đây không chỉ là việc nhớ được một bộ bài mà còn là luyện tập não bộ để đương đầu với bất cứ thách thức nào trong cuộc sống. Nó đang làm cho tôi thành công hơn và tràn đầy niềm tin vào bản thân mình.
Bây giờ Việt Nam bắt đầu tổ chức cuộc thi này, tôi rất hoan nghênh. Những cuộc thi siêu trí nhớ đã thay đổi cuộc đời tôi, và chắc chắn cũng sẽ thay đổi cuộc đời các bạn.
Với khả năng nhớ bài siêu hạng như vậy, liệu các sòng bài có dè chừng ông?
À, có rất nhiều sòng bạc ở Las Vegas đã cấm cửa tôi.
Tôi thích chơi bài “Xì Dách” và tôi có thể nhớ thứ tự một chuỗi các lá bài. Nhất là trong trường hợp nhà cái không xáo bài kỹ, tôi có thể biết được lá bài nào sẽ được rút ra ngay sau đó. Nhớ bài trong trường hợp này có sự kết hợp của toán học nữa, và tôi còn có thể nhớ các bảng thống kê.
Nhưng trong các sòng bài đều có camera cả. Nếu họ phát hiện bạn có khả năng thắng cao thì họ sẽ đuổi bạn ngay.
Xin ông chia sẻ chi tiết hơn về phương pháp nhớ bài của mình?
Mới đầu tôi luyện trí nhớ bằng cách nhớ bộ bài theo kiểu mỗi lá bài tượng trưng cho một người. Ví dụ như lá “7 cơ” là James Bond, lá “đầm rô” là một vị nữ hoàng, lá “6 bích” là người yêu của tôi,… Rồi tôi tưởng tượng nhìn thấy những người này, bạn bè và người thân ở trên một hành trình quanh nhà tôi, quanh vườn, trên quãng đường đến trường, trong không gian trường học cũ, hay ở một địa điểm du lịch.
Cứ như vậy, tôi tưởng tượng mỗi lần tôi gặp bạn bè hay gia đình thì đại diện của những lá bài là những vị trí khác nhau tương ứng với người mà tôi nghĩ tới. Sử dụng hành trình như vậy sẽ giúp nhớ thứ tự của các thông tin. Điều này khá thú vị nhưng nó chỉ mới là bước đầu thôi. Bạn cần phải kiên trì và luyện tập chăm chỉ.
Đâu là “bí quyết” của ông trong việc luyện tập thể chất, tinh thần để có tuổi 62 đầy phong độ như lúc này?
Tôi thích chạy bộ vì tôi còn chạy được. Tôi nỗ lực tập thể dục mỗi ngày, dù chỉ là đi bộ 15 phút. Tôi cố gắng làm bất cứ hoạt động nào làm cho nhịp tim nhanh lên.
Ngoài ra còn việc luyện tập cho bộ não. Hãy làm gì đó để bộ não hoạt động. Có thể là 10 -15 phút luyện kỹ thuật trí nhớ như nhớ lại những vật dụng đã có trước đó, danh sách từ,… bằng cách tạo ra những câu chuyện, làm cho nó có sự kết nối với nhau.
Tôi rất vui khi biết có một thí sinh lớn tuổi tham gia cuộc thi siêu trí nhớ của Việt Nam là bác Thân, 62 tuổi, cũng trong độ tuổi của tôi đấy. Ban nãy tôi có trò chuyện thì ông ấy nói những ký ức cũ của ông đang dần quay trở lại, cả những ký ức thời thơ ấu. Điều đó làm cho ông thấy tự tin hơn vì ông tưởng đã đánh mất, giờ lại quay trở lại. Nên những kỹ thuật này thật sự hiệu quả.
Về dinh dưỡng, tôi nghĩ là cần một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Cá rất tốt cho bạn vì nó có Omega-3, và cả trái cây nữa. Hãy hạn chế thức ăn nhanh. Tôi thì tôi nỗ lực ăn cá 3 - 4 lần/tuần và ở Việt Nam thì cá rất nhiều đúng không? Hãy tận dụng đi nhé!
Với khả năng nhớ bài siêu hạng, ông Dominic O’Brien đang bị “cấm cửa” tại các sòng bạc ở Las Vegas (Mỹ).
Qua những buổi đào tạo vừa qua, ông đánh giá tiềm năng của các tuyển thủ siêu trí nhớ Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Tôi rất vui được đến Việt Nam. Tôi nhận ra con người Việt Nam cực kỳ thân thiện và chất lượng của các thí sinh tại cuộc thi trí nhớ đầu tiên này thật sự rất cao.
Vào cuộc thi siêu trí nhớ thế giới lần đầu tiên hồi năm 1991, tôi đã nhớ một bộ bài trong 2 phút 29 giây và trở thành nhà vô địch. Hôm nay, như bạn thấy đó, tại cuộc thi siêu trí nhớ Việt Nam đã có người nhớ cả bộ bài chỉ trong 1 phút 34 giây. Điều đó có nghĩa là gì? Có thể chúng ta có một nhà vô địch siêu trí nhớ thế giới đang ngồi tại Việt Nam.
Cuối cùng, ông có gì muốn chia sẻ với mọi người về việc rèn luyện não bộ?
Tôi đã ngừng khi đấu các cuộc thi siêu trí nhớ từ năm 2003. Cho tới cách đây vài năm, khi tôi 60 tuổi, tôi đã tham gia một cuộc thi siêu trí nhớ dành cho người cao tuổi và kết quả khả năng ghi nhớ của mình không thay đổi nhiều. Đây là một tín hiệu tốt cho những người ở độ tuổi của tôi.
Tôi muốn mọi người dừng suy nghĩ rằng càng lớn tuổi thì trí nhớ càng suy giảm. Có thể bạn sẽ chậm hơn so với lúc còn trẻ, nhưng khi có rèn luyện thì chất lượng trí nhớ của bạn vẫn sẽ ở một tầm cao.
Đây là điều tôi muốn tự nhủ ở bản thân mình, và cũng khuyến khích những người khác ở độ tuổi này hoặc lớn hơn hãy bắt đầu luyện tập những kỹ thuật trí nhớ. Khi đó, bạn sẽ tránh được các chứng bệnh sa sút trí tuệ, vốn là một căn bệnh rất phổ biến trên toàn thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Đăng nhận xét