Tương lai mờ mịt của bé gái 6 tuổi
Ngày 28/9, chúng tôi có mặt tại thị trấn Thứa (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) khi gia đình bà N.T.N (SN 1965) đang chuẩn bị tang lễ cho con gái là chị D.T.H. (SN 1987, nạn nhân bị thanh sắt rơi trúng người tử vong trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội).
Trước sự ra đi đột ngột của con gái, bà N liên tục khóc ngất khiến gia đình vô cùng lo lắng và phải có người túc trực ở bên. Ngồi bên cạnh mẹ chồng, con dâu bà N nghẹn ngào kể, gần 19h tối 27/9, vợ chồng chị đang ở nhà tại khu vực bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) thì nhận được tin của gia đình về việc chị H gặp nạn trên đường Lê Văn Lương.
Chị D.T.H (nạn nhân tử vong do bị cột sắt rơi trúng người) và con gái (ảnh gia đình cung cấp).
Ban đầu, vợ chồng chị chỉ nghĩ chị H gặp nạn và bị ảnh hưởng tới sức khoẻ chứ không dám nghĩ tới việc tử vong. “Tới hiện trường, vợ chồng tôi mới tá hoả khi biết tin em H bị thanh sắt rơi trúng đầu tử vong tại chỗ...”, con dâu bà N gạt nước mắt nói.
Theo lời kể của người thân, cách đây gần 10 năm, chị H lập gia đình và có một bé gái là cháu P.T.L.A (SN 2012). Tuy nhiên, khi cháu bé được 2 tuổi, không hợp nhau nên vợ chồng chị H ly hôn và cháu L.A ở với mẹ.
Trước lúc lấy chồng, chị H đã có một thời gian dài học và làm việc tại Hà Nội. Nhưng khi lập gia đình thì chị chuyển về địa phương sinh sống, buôn bán. Cách đây khoảng 3 năm, chị H lại lên Hà Nội làm kế toán cho một công ty, còn con gái lúc đấy mới lên 3 tuổi để ở nhà cho bà ngoại chăm sóc.
“Đợt vừa rồi, cháu L.A vào lớp 1 nên H đã đưa con lên Hà Nội để cho cháu đi học và hai mẹ con gần nhau tiện chăm sóc. Vậy mà mẹ con mới ở với nhau được mấy tháng đã sinh ly tử biệt. Từ tối 27/9 đến giờ, gia đình chưa dám cho cháu L.A biết tin dữ vì sợ cháu bị sốc. Nhưng khi nghe mọi người nói chuyện, có vẻ cháu đã cảm nhận được việc mẹ mình gặp nạn nên cháu rất buồn và thi thoảng ngồi khóc một mình...”, con dâu bà N nói.
Thanh sắt rơi trúng người đi đường. Ảnh: TL
Cũng theo chia sẻ của gia đình, sau khi ly hôn, cuộc sống của chị H rất khó khăn, vất vả khi một tay chị vừa đi làm để đảm bảo cuộc sống, vừa chăm sóc con gái nhỏ. Để con gái có cuộc sống đầy đủ, chị H không ngừng cố gắng phấn đấu từng ngày. Vào tối 27/9, khi chị H gặp nạn cũng là lúc chị đang trên đường từ công ty về đón con.
Chiều muộn, cô chủ nhiệm của cháu L.A chờ mãi không thấy có người đến đón cháu, gọi điện cho phụ huynh cũng không được nên đã đưa cháu về nhà. Sau đó, nhà trường đã sửng sốt khi nhận hung tin. “Khi làm mẹ đơn thân thì một mình phải gánh vác hết mọi chuyện, từ việc đưa con đi học, đón con về nhà, chăm sóc, cơm nước, tắm giặt. Nói chung cuộc sống bận rộn từ sáng đến đêm...”, con dâu bà N nói về những khó khăn, vất vả của em chồng.
Chiều 28/9, thi thể chị H được hoả thiêu tại Đài hoá thân Hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển. Sau đó, tro cốt được đưa về gia đình để làm các thủ tục mai táng. Sau khi làm tang lễ xong, gia đình sẽ tính tới chuyện đưa cháu L.A về quê cho bà ngoại nuôi dưỡng vì cuộc sống của vợ chồng anh trai chị H cũng rất vất vả, khi đang phải chăm hai con nhỏ. Tuy nhiên, đây chỉ là những khó khăn trước mắt, còn về lâu dài, đường học hành, tương lai của cháu L.A khiến mọi người trong gia đình rất lo lắng.
Sẽ khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm
Công trình nơi thanh sắt rơi xuống gây chết người.
Chiều 28/9, theo thông tin từ VKSND quận Thanh Xuân (Hà Nội), cơ quan chức năng đang củng cố chứng cứ để khởi tố vụ án, sẽ sớm có quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ vụ tai nạn khi thi công công trình khiến 1 người tử vong.
Theo đó, công trình xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (nơi gây ra vụ tai nạn với chị H) do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư. Nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là Công ty Cổ phần thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP. Hiện công trình đã thi công xong phần thô và đang trong quá trình thi công hoàn thiện, lắp kính mặt ngoài tòa nhà.
Ngày 27/9, một số công nhân được phân công lắp kính mặt ngoài tầng 5,6,7 của tòa nhà. Quá trình lắp kính, các công nhân sử dụng hệ thống Gondola (sàn làm việc chuyên dụng trên cao) từ tầng 16 để di chuyển phía ngoài tòa nhà. Đến khoảng 18h cùng ngày, khi lắp kính đến tầng 7, công nhân thấy đến giờ nghỉ nên điều khiển để sàn thao tác xuống tầng 6 cho mọi người xuống thì bất ngờ cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng, rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương trúng vào chị D.T.H. đang điều khiển xe máy khiến nạn nhân tử vong. Vụ việc cũng khiến một người đàn ông bị thương phải đưa đến bệnh viện điều trị.
Nói về vụ việc trên PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, tai nạn từ thanh sắt tòa nhà đang xây dựng rơi xuống đường gây chết người không phải là sự sơ suất mà là thiếu trách nhiệm.
Theo ông Chủng, an toàn lao động, đặc biệt là an toàn lao động trên cao khi thi công những công trình cao tầng là một trong những yêu cầu rất khắt khe. Ngoài những trang bị về an toàn cho chính người lao động, trang thiết bị công trình cũng phải kiểm định đặc biệt là biện pháp đảm bảo an toàn. “Những biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình cũng như vùng lân cận, xung quanh cũng là một trong những yêu cầu rắt khắt khe. Vì vậy trong quá trình thi công người ta phải áp luôn vào đó một quy trình về đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện nay lại có nhiều công trình xây dựng trong đô thị đang chểnh mảng, coi thường vấn đề này”, ông Chủng nói.
Về trách nhiệm, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng đầu tiên chính là nhà thầu. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã có đơn vị tư vấn giám sát, không chỉ giám sát về kỹ thuật mà còn giám sát về an toàn lao động, mà an toàn lao động phải là quan tâm đầu tiên. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước đều phải có nghĩa vụ kiểm tra sự tuân thủ của các bên liên quan đến an toàn lao động.
Trong khi đó, luật sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị giám sát thi công, nhà thầu hay cá nhân cụ thể phải phụ thuộc vào kết quả điều tra. Hành vi để thanh sắt rơi làm chết người đi đường, ngoài dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015, còn có cấu thành tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Vi Văn Diện nhấn mạnh: “Bên cạnh việc bị khởi tố, chịu trách nhiệm hình sự, người phạm tội phải chịu trách nhiệm dân sự như đền bù tổn thất tinh thần, ma chay, cấp dưỡng... cho gia đình nạn nhân”.
Đăng nhận xét