Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, trước đó, em H đi học và vô tình nuốt phải đầu bút chì, sau khi đi học về, em có kể lại cho bố mẹ và được người nhà chở xuống bệnh viện huyện để kiểm tra, lúc này bệnh nhi chưa có biểu hiện gì bất thường, hoàn toàn tỉnh táo.
Sau quá trình thăm khám, bệnh viện tuyến dưới nhanh chóng cho bệnh nhi chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để gắp dị vật. Vừa xuống đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì bệnh nhi có chuyển biến xấu, bệnh nhân bị khó thở rất nhanh và ngừng thở. Bệnh nhân được phòng khám Cấp cứu chuyển thẳng lên khoa Hồi sức cấp cứu. Tình trạng bệnh nhi lúc này hết sức nguy kịch, toàn thân tím tái, ngừng thở, ngừng tim.
Mẩu bút chì nguyên nhân gây tắc nghẽn đường thở khiến bé ngưng tìm, ngừng thở
Các bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu đã nhanh chóng đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy để cấp cứu, rất may sau đó tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, tim đập bình thường trở lại. Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu tiến hành hội chẩn với Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để mổ và tiến hành gắp dị vật cho bệnh nhân.
Kíp mổ do BS. CKII Đinh Xuân Hương – Phó giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Tai Mũi Họng, và BS.CKI Đoàn Nhân Chính - Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trực tiếp mổ, sau hơn 1h căng thẳng, kíp mổ đã gắp ra được dị vật trong phế quản của bệnh nhân là đầu bút chì có đường kính 2cm, giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Hiện tại, sau mổ sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định hơn, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng.
Bs. Phan Quang Trung cũng cho biết thêm: Trường hợp của cháu H bị hóc dị vật khi nhập viện hết sức nguy kịch, toàn thân tím tái, ngừng thở, ngừng tim, rất may đội ngũ bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu và Tai Mũi Họng của bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu, xử trí kịp thời. Nếu trường hợp này mà chậm trễ một chút là bệnh nhi đã nguy hiểm đến tính mạng hoặc nếu được cứu sống thì cũng bị chết não, để lại nhiều di chứng".
Được biết, tại BV Sản Nhi Nghệ An các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và gắp dị vật đường thở cho rất nhiều bệnh nhi như hóc hạt nhãn, nắp bút bi, cúc áo…
Các bác sỹ khuyến cáo phụ huynh không nên để con trẻ tiếp xúc với vật thể nhỏ hoặc ăn những thức ăn lớn. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu khó thở do nuốt dị vật thì nên đưa đến ngay bệnh viện có đủ chuyên môn để được cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, khi xác định đúng trẻ bị hóc dị vật cần cẩn trọng trong quá trình vận chuyển vì dị vật có thể dịch chuyển vào đường thở gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đăng nhận xét