Berlin đã cung cấp cho Kiev 30 đơn vị Gepard cùng với 6.000 viên đạn. Các vũ khí này đã giành được nhiều lời khen ngợi, thậm chí nhà ngoại giao Ukraine Olexander Scherba còn cho rằng chúng vô cùng "xuất sắc".
"Đây có thể là những vũ khí giúp Ukraine thay đổi cục diện trận chiến chống lại máy bay không người lái của Iran", ông viết hôm 3/11. "Ước gì chúng tôi được cung cấp thêm".
Còn được gọi là Flakpanzer Gepard, SPAAG của Đức có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết và được phát triển vào những năm 1960, trải qua một số lần nâng cấp. SPAAG là một bộ phận quan trọng của lực lượng phòng không Quân đội Đức (Bundeswehr) cũng như các nước NATO khác.
Lực lượng Kiev lần đầu tiên sử dụng Gepards vào cuối tháng 9, theo một video được chia sẻ bởi tài khoản Twitter "Ukraine Weapons Tracker". Đội Tình báo Xung đột (CIT) cho biết Gepard có thể đã phá hủy một tên lửa của Nga trước khi bắn trúng một nhà máy điện ở Kiev vào ngày 18/10.
Trong khi đó, một quân nhân Ukraine nói với tờ Bild của Đức trong một bài báo đăng hôm 1/11 rằng anh đã sử dụng hệ thống này phá hủy hai tên lửa hành trình và một số máy bay không người lái của Nga.
"Hệ thống này đặc biệt hiệu quả trong việc nhắm bắn các máy bay không người lái Shahed", xạ thủ có mật danh Max nói, ám chỉ các máy bay không người lái do Tehran cung cấp đang là bài thử nghiệm cho hệ thống phòng không của Ukraine.
Max cho biết anh và các đồng đội đã dành một tháng rưỡi ở Đức để đào tạo về hệ thống này, anh nói thêm: "Chúng tôi đã nhanh chóng học được những điều cơ bản của hệ thống, điều này rất quan trọng đối với chúng tôi".
"Đó là một hệ thống rất tốt", anh nhấn mạnh.
Chuyên gia quốc phòng cấp cao tại Quỹ An ninh Baltic, ông Glen Grant nói với Newsweek rằng Gepard là một "thiết bị đẳng cấp thế giới" nhưng "liệu nó có thể hạ gục được máy bay không người lái hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc được đặt ở đúng vị trí".
Ông Grant nói: "Đó là một vũ khí chiến thuật", lưu ý thêm rằng vũ khí này có thể cung cấp "khả năng phòng thủ điểm cho sở chỉ huy lữ đoàn, khu vực hậu cần và có thể là thành phần pháo binh".
"Bạn thực sự phải đặt nó vào đúng vị trí và điều đó có nghĩa là phải hiểu được đối phương sẽ đưa máy bay không người lái từ đâu đến", ông nói.
Việc sử dụng Gepards diễn ra trong bối cảnh Đức và Thụy Sĩ đang có tranh cãi về việc cung cấp đạn dược cho vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã đề nghị Thụy Sĩ cho phép cung cấp 12.400 viên đạn do Thụy Sĩ sản xuất cho lực lượng phòng không Ukraine.
Tuy nhiên điều này đã bị Bern bác bỏ, cho rằng động thái trên sẽ vi phạm tính trung lập của Thụy Sĩ. Các loại đạn pháo 35mm trước đây đã được các công ty Thụy Sĩ cung cấp cho quân đội Đức với điều kiện không được phép xuất khẩu vũ khí này nếu không có sự chấp thuận của Thụy Sĩ.
Đăng nhận xét