Bộ Quốc phòng Nga tung video cho thấy Su-35, Su-30SM thực hiện nhiệm vụ trong hiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nguồn Bộ Quốc phòng Nga/Tass.
Bộ Quốc phòng Nga mới đây đăng tải video các máy bay chiến đấu Su-35, Su-30SM tham gia trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Đoạn video cho thấy, các tổ bay của chiến đấu cơ Su-35 và Su-30SM hoàn thành nhiệm vụ tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine. Các phi công thực hiện các chuyến bay ở nhiều độ cao khác nhau, sử dụng tên lửa không đối đất.
Bộ Quốc phòng Nga cũng đăng tải bài phỏng vấn một phi công quân sự Nga tham gia chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Theo phi công máy bay chiến đấu Klim, anh và các đồng nghiệp của mình chưa bao giờ phải giao chiến với máy bay Ukraine.
"Đối phương chỉ đơn giản là bỏ chạy khỏi trận địa ngay khi lọt vào radar của máy bay chiến đấu của chúng tôi", phi công Klim nói.
Một trường hợp duy nhất xảy ra khi Nga vừa phát động hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine, một cặp máy bay quân sự Su-27 của Ukraine xuất kích, kháng cự lại nhóm máy bay tấn công của Nga, viên phi công kể lại.
"Khi chúng tôi tiếp cận tầm phóng tối đa và tầm bắn hiệu quả, chúng tôi đã khóa mục tiêu. Hệ thống cảnh báo phát xạ radar đã được kích hoạt. Có thể, kiểm soát mặt đất đã cảnh báo rằng, chúng tôi đã ở trong tầm bắn hiệu quả vì chúng tôi đã bay ở tốc độ siêu âm. Vì vậy, đối phương đã quay lưng bỏ đi”, phi công Nga nói.
Klim cho biết, cực kỳ hiếm khi một máy bay quân sự của Ukraine được phát hiện trên radar của máy bay chiến đấu Nga.
Ông nói thêm, Ukraine đã thực sự không còn máy bay chiến đấu và nhiệm vụ cơ bản của các máy bay chiến đấu Su-30SM và Su-35 của Nga là loại bỏ hoàn toàn tàn dư của hệ thống phòng không Ukraine.
"Trong vài ngày đầu tiên, đã có một lượng lớn các cuộc tấn công vào nhóm của chúng tôi bằng tên lửa đất đối không. Trung bình, họ bắn tới 4 tên lửa vào chúng tôi trong một cuộc xuất kích", phi công Klim nói về việc quân đội Ukraine khai hỏa hệ thống tên lửa đất đối không di động Stinger do Mỹ sản xuất.
"Sau cùng, tần suất này đã giảm sút. Hiện có những trường hợp họ không cố gắng chống lại nhóm của chúng tôi. Chúng tôi phân tích và xem họ hoạt động như thế nào và sử dụng phiên bản nào của (Stinger). Chúng tôi cũng thực hiện điều chỉnh mỗi lần để không lần xuất kích nào giống lần trước”, phi công quân sự Nga nhấn mạnh.
Ông nói, Không quân Ukraine từng cố gắng kháng cự và đánh lừa máy bay Nga.
"Nhưng chúng tôi đang làm việc trên tất cả các kịch bản này, đánh giá và đưa ra quyết định dựa trên tình huống trực tiếp trên không", viên phi công Nga nói thêm.
"Chúng tôi đang sử dụng các loại vũ khí chính xác cao giúp theo dõi sự phát xạ của hệ thống phòng không của đối phương rồi sau đó xác định, khóa mục tiêu và phóng tên lửa. Quả tên lửa sẽ phát hiện tín hiệu chiếu xạ và tính toán tầm bay đến mục tiêu. Ngay cả khi đối phương tắt radar, tên lửa vẫn có thể bay đến tọa độ đặt đài phát và diệt mục tiêu, do kíp vận hành radar không có đủ thời gian thu hồi trận địa và sơ tán", Klim cho hay.
Theo Klim, các phi công Nga cũng được yêu cầu đưa ra quyết định nhanh chóng, cân nhắc và điềm tĩnh trên không trung.
Máy bay chiến đấu Su-35, Su-30SM
Su-35 (tên NATO: Flanker-E +) là máy bay chiến đấu siêu cơ động thế hệ 4 ++ của Nga với hệ thống động cơ đẩy có tên mã là Su-35S trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Máy bay chiến đấu này có trọng lượng cất cánh tối đa là 34,5 tấn và có thể tăng tốc lên 2.500 km/h. Su-35 có tầm hoạt động 1.500-4.500km và trần bay 20.000m.
Su-35 có khả năng sử dụng toàn bộ các loại tên lửa không đối không và không đối đất hiện có và trong tương lai, bao gồm cả vũ khí chính xác.
Su-35 mang theo pháo 30mm GSh-30-1, tên lửa không đối không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, tên lửa chống hạm Kh-31, Kh-35U hoặc Kh-59M cùng nhiều loại đạn và rocket chính xác khác nhau trong kho vũ khí cơ bản mà máy bay này được trang bị.
Tiêm kích cũng tích hợp hệ thống điều khiển và thông tin IUS-35 cùng radar mảng pha có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 100 km-400 km.
Su-30 (tên NATO: Flanker-C) là máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng hai chỗ ngồi của Nga. Nó được phát triển bởi Sukhoi vào cuối những năm 1980 và có nguồn gốc từ phiên bản huấn luyện của Su-27UB.
So với nguyên bản, Su-30 có bộ vũ khí mở rộng, trang bị nâng cấp và hệ thống tiếp nhiên liệu trên không. Các phiên bản xuất khẩu của Su-30 đã phổ biến ở nước ngoài. Đặc biệt, riêng Nga đã chuyển giao 200 máy bay chiến đấu Su-30MKI cho Ấn Độ.
Việc chuyển giao các phiên bản sửa đổi của Su-30 cho Không quân Nga bắt đầu vào năm 2010. Su-30SM có khả năng mang nhiều loại tên lửa và bom không đối không, không đối đất và được trang bị súng 30mm.
Đăng nhận xét