Trong những tuần trước chiến tranh, các chính trị gia và các nhà phân tích đã chia rẽ về việc liệu quân đội Nga có tấn công Ukraine hay không. Từ quan điểm quân sự, khi một lực lượng lớn dàn trận xung quanh Ukraine, thì việc đó dường như được thiết kế để chuẩn bị cho một cuộc tấn công.
Khi đó, nhu cầu cấp bách của NATO là tung nhiều "con mắt" hơn lên bầu trời và liên kết chặt chẽ các máy bay, tàu chiến, hệ thống tên lửa trên mặt đất và hệ thống radar để bảo vệ sườn phía đông của liên minh. Và cho đến bây giờ, NATO vẫn đang ra sức "căng mắt căng não" để ngăn xung đột Ukraine lan tới châu Âu.
Trung tâm Điều hành Hàng không Liên hợp của liên minh NATO ở Uedem, miền Tây nước Đức đã "bất chế độ sẵn sàng" ngay khi Nga tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Vài chục quân nhân NATO hiện đang cùng quản lý tới 30 máy bay trên bầu trời, từ cực bắc của Na Uy đến Slovakia.
"Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ. Thông tin, nhận thức tình huống tốt nhất có thể tất nhiên là cực kỳ quan trọng trong tình huống nguy hiểm như chúng ta thấy ở Ukraine hiện nay", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố hồi tuần này.
Từ một boongke ngầm trong khu đất yên tĩnh, các máy bay tuần tra của NATO đang liên tục xuất kích để theo dõi các máy bay được cho là khả nghi. Các máy bay sẽ xuất kích từ khắp châu Âu để đánh chặn các máy bay không xác định tiến gần không phận NATO.
Hơn 100 máy bay quân sự của NATO có thể hoạt động trên bầu trời vào bất kỳ ngày nào, xen lẫn trong số khoảng 30.000 chuyến bay dân dụng được thực hiện hàng ngày qua bầu trời châu Âu.
Sáu máy bay giám sát Boeing E-3A từ đội máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm "già cỗi" của NATO đã giúp tạo ra một “bức tranh hàng không” để chia sẻ với các quốc gia thành viên. Những “con mắt trên bầu trời” này không bay vào Ukraine hoặc Nga, nhưng có thể nhìn xa 400 km qua biên giới.
Máy bay chiến đấu cũng cung cấp thông tin về những gì đang diễn ra bên trong một phần của hai quốc gia tham chiến. Những “tài sản” này đôi khi được gửi từ những nơi xa như miền Tây nước Pháp, được tiếp nhiên liệu trên không và có thể tuần tra trong khoảng một giờ ở khu vực biên giới trước khi chúng phải quay đầu trở lại.
Liên minh quân sự 30 quốc gia lâu nay vẫn đang cảnh giác về việc bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Nga, vì vậy vấn đề biên giới và không phận được tôn trọng cẩn thận.
Thiếu tướng Harold Van Pee, chỉ huy cơ sở NATO ở Uedem cho biết: “Chúng tôi không muốn khí tài của NATO tới gần (Ukraine hoặc Nga) bởi vì dù vô ý thì bạn cũng có nguy cơ gặp phải một số tổn thất”.
Các khu vực nhạy cảm nhất là bán đảo Kola - ở biên giới phía bắc của Nga và Na Uy - Vịnh Phần Lan tiếp cận thành phố St.Petersburg của Nga và bầu trời xung quanh vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga, nằm giữa Lithuania và Ba Lan.
Từ màn hình máy tính của họ, các nhân viên NATO cũng có thể theo dõi tên lửa hành trình, giống như tên lửa mà Nga đã sử dụng hồi tháng trước để tấn công một căn cứ huấn luyện quân sự ở miền tây Ukraine, gần Ba Lan - một thành viên NATO - khiến 35 người thiệt mạng.
Nhưng theo dõi tên lửa bằng máy bay là một nỗ lực có rủi ro cao, đặc biệt là vào ban đêm, trong điều kiện thời tiết xấu hoặc khi tên lửa ôm sát mặt đất, thì việc máy bay phải bay quá thấp để theo dõi đến mức các cột điện và dây cáp điện cũng là mối nguy hiểm tiềm tàng.
Các sĩ quan quân đội cho biết, Nga đang sử dụng các thiết bị điện từ rất mạnh cho mục đích gây nhiễu liên lạc có thể làm gián đoạn các chuyến bay được điều khiển từ xa. Nhưng một thách thức ít rõ ràng đối với không phận NATO hơn là các máy bay không người lái không xác định.
Tháng trước, một máy bay không người lái quân sự đã bay "lang thang" không kiểm soát từ Ukraine qua không phận của ba thành viên NATO - Romania, Hungary và Croatia - trước khi rơi xuống thủ đô của Croatia. Một số ô tô đang đậu ở đó bị hư hỏng nhưng may mắn không ai bị thương.
Cả Nga và Ukraine đều phủ nhận mối liên hệ với máy bay đó. Trong khi đó, các sĩ quan quân đội và các quan chức NATO từ chối bình luận về vụ việc cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất.
“Ngay cả khi bạn phát hiện một trong những máy bay không người lái đó, bạn định làm gì đó với nó không? Bạn phải tự hỏi bản thân mình, bởi nếu bạn bắn hạ nó thì chắc chắn sẽ gây sát thương trên mặt đất. Bạn có nên để nó bay tiếp, hy vọng bắn nó trên biển hay không. Ý tôi là, bạn không biết chắc và phải tự mình ra quyết định”, ông Van Pee tuyên bố.
Đăng nhận xét