Chiến sự Nga-Ukraine: Đức bí mật đàm phán với Ukraine về các đảm bảo an ninh

Chiến sự Nga-Ukraine: Đức bí mật đàm phán với Ukraine về các đảm bảo an ninh - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận đang bí mật đàm phán với Ukraine về các đảm bảo an ninh cho nước này. Ảnh AP

Cụ thể, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 6/4 thừa nhận, Berlin đang đàm phán về đảm bảo an ninh cho Ukraine nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết khi mô tả các cuộc đàm phán là "bí mật", và vẫn còn phải xem liệu ông có sẵn sàng đi xa như Kiev mong muốn hay không, báo Anh Telegraph đưa tin.

Ukraine đã đề xuất điều đó như một giải pháp thay thế cho tư cách thành viên NATO - điều mà Nga tuyên bố không thể chấp nhận. Tuy nhiên, các quốc gia riêng lẻ như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Quốc có thể đưa ra các bảo đảm an ninh cho Ukraine với hiệu quả tương tự.

Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenksy đã kêu gọi các nước phương Tây cam kết bảo vệ Ukraine như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga.

Theo các đề xuất, được đưa ra trong các cuộc đàm phán vào tuần trước, Ukraine sẽ từ bỏ tham vọng trở thành thành viên của NATO. Thay vào đó, họ muốn các quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức và Trung Quốc cam kết hỗ trợ Ukraine nếu họ bị tấn công.

Phó Thủ tướng Vương Quốc Anh Dominic Raab đã nói rõ rằng, Anh chưa chuẩn bị đồng ý với đề nghị của Ukraine vào tuần trước. "Chúng tôi đã rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga".

Trong một dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự đảm bảo nào của Đức cũng có thể không đạt đến kỳ vọng của Kiev, ông Scholz tuyên bố: "Các thành viên NATO không được trở thành một bên trong cuộc chiến này".

Thủ tướng Đức cũng nói thêm rằng, thay vào đó Đức sẽ tập trung vào các biện pháp trừng phạt kinh tế, giao vũ khí và viện trợ tài chính cho Ukraine.

"Mục tiêu của chúng tôi là Nga không thắng trong cuộc chiến này. Những hình ảnh khủng khiếp từ Bucha khiến tất cả chúng tôi bàng hoàng", ông Scholz nói.

Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng, ông đã lật ngược chính sách của người tiền nhiệm, bà Angela Merkel để cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tuy nhiên trước đó, Kiev phàn nàn rằng chính phủ của ông Scholz đã chậm chạp trong việc giao những vũ khí đã hứa cho Ukraine.

Thủ tướng Đức cũng lên tiếng giải thích rằng, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu "sẽ đóng góp chính xác để Nga cảm nhận được hậu quả của cuộc chiến này".

Những tuyên bố của ông Scholz được đưa ra trong bối cảnh Đức phải đối mặt với cáo buộc ngăn chặn các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của EU đối với Nga và được cho là trở ngại chính khiến EU chưa cấm vận dầu khí của Nga.

Tuy nhiên, ông Scholz cho biết chính phủ của ông đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt của Nga càng nhanh càng tốt.

Adblock test (Why?)