Theo Bussiness Insider, các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh muốn có đủ vũ khí hạt nhân để duy trì khả năng răn đe và đáp trả một cuộc tấn công, đặc biệt là từ Mỹ.
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc, được công bố vào tháng 11/2021 từng mô tả tốc độ và quy mô ngoạn mục của quá trình hiện đại hóa quân đội thông thường của Trung Quốc.
Trong khi đó, báo cáo năm nay nêu rõ một số diễn biến có thể đe dọa Mỹ trực tiếp hơn các lực lượng thông thường của Trung Quốc - đó là "sự mở rộng với quy mô lớn của lực lượng hạt nhân".
Lầu Năm Góc năm ngoái đã cảnh báo rằng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh ít nhất sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này.
Nhưng một thông điệp khẩn cấp hơn đã được đưa ra vào năm nay: Trung Quốc "đã tăng tốc mở rộng hạt nhân" và đang "vượt quá tốc độ và quy mô mà Lầu Năm góc dự đoán vào năm 2020".
Lầu Năm Góc ước tính rằng, hiện kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đang ở mức "thấp nhất là 200 đầu dạn", nhưng nhiều tổ chức khác cho rằng con số này cao tới 350.
Để so sánh, Mỹ và Nga được cho là có lần lượt 5.550 và 6.225 đầu đạn hạt nhân, dù họ đã đồng ý giới hạn số lượng đầu đạn có thể được triển khai.
Trong khi đó, Anh được cho là có 225 đầu đạn, Pháp 290, Ấn Độ 156 và Pakistan 165. Israel và Triều Tiên cũng được cho là có kho dự trữ từ vài chục đến vài trăm đầu đạn hạt nhân.
Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc hy vọng sẽ có 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và ít nhất 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Theo báo cáo, Trung Quốc đang xây dựng "các lò phản ứng sản xuất nhanh và các cơ sở tái chế" nhằm tăng năng lực sản xuất plutonium để hỗ trợ cho quá trình mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Trung Quốc cũng đang mở rộng và hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của nước này.
Họ đang xây dựng thêm các hầm chứa vũ khí hạt nhân trên mặt đất và tăng kho vũ khí đạn đạo xuyên lục địa ICBM, hiện ước tính lên tới khoảng 100 tên lửa.
Hải quân Trung Quốc đang bổ sung thêm nhiều tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 094 . Tàu ngầm Type 094 được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2, tầm bắn của tên lửa này yêu cầu tàu ngầm hoạt động xung quanh Hawaii để có thể vươn tới lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang nghiên cứu một tàu ngầm mới hơn, Type 096, để ghép nối với một tên lửa mới, JL-3 , có thể vươn tới đất liền Mỹ từ vùng biển Trung Quốc.
Lực lượng không quân Trung Quốc đã sử dụng H-6N, biến thể mới nhất của máy bay ném bom chiến lược H-6 của nước này. H-6N có thể tiếp nhiên liệu trên không, giúp mở rộng tầm hoạt động và mang tên lửa đạn đạo phóng từ trên không. Năm ngoái, một chiếc H-6N được phát hiện mang theo thứ được cho là tên lửa siêu thanh Trung Quốc mới chế tạo.
Mục tiêu bao trùm của quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là đạt tới mức ngang bằng và thiết lập khả năng răn đe với Mỹ.
Trung Quốc lo ngại Mỹ - với nhiều vũ khí hạt nhân hơn và bộ ba hạt nhân vững chắc - có thể tung đòn phủ đầu nhằm vào kho vũ khí hạt nhân của nước này, khiến Bắc Kinh không có đủ khả năng phòng thủ. Điều này đã khiến Bắc Kinh theo đuổi nhiều vũ khí và hệ thống phóng hơn để họ có đủ khả năng sống sót sau một cuộc tấn công và vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
“Những gì Trung Quốc đang cố gắng làm là chế tạo đủ tên lửa trên mà Trung Quốc có thể tin tưởng tuyệt đối rằng họ có thể chọc thủng hàng phòng thủ của Mỹ và tấn công lãnh thổ Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân”, Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc tế và quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation chia sẻ với Insider.
"Trung Quốc kỳ vọng sẽ khiến Mỹ không thể thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu tiêu diệt khả năng hạt nhân của Trung Quốc", ông Heath nói thêm.
Đăng nhận xét