Cụ thể, theo New York Times, các quan chức Mỹ và Ukraine cáo buộc, Moscow đã bắt đầu sơ tán dần nhân viên ngoại giao và người thân của họ khỏi Đại sứ quán Nga ở Kiev, thủ đô Ukraine một tuần trước khi các cuộc đàm phán an ninh giữa Nga-Mỹ-NATO về Ukraine bắt đầu.
Theo đó, vào ngày 5/1, 18 người - chủ yếu là con và vợ của các nhà ngoại giao Nga - đã lên xe buýt và lên đường trở về Moscow, một quan chức an ninh cấp cao của Ukraine cho biết.
Khoảng 30 người nữa cũng về Nga sau vài ngày, từ Kiev và Lãnh sự quán của Nga ở Lviv, miền tây Ukraine.
Vị quan chức an ninh giấu tên tiếp tục cho biết, các nhà ngoại giao tại 2 lãnh sự quán khác của Nga đã được thông báo chuẩn bị rời Ukraine.
Đáp trả thông tin trên, Nga cam đoan rằng, Đại sứ quán của nước này ở Kiev vẫn hoạt động bình thường bất chấp những lời đe dọa nhằm vào các nhà ngoại giao Nga và gia đình của họ.
"Một lần nữa, bất chấp những lời khiêu khích và hành vi hung hăng của những cá nhân cực đoan địa phương, tôi nhắc lại rằng các sứ mệnh ngoại giao của chúng tôi vẫn hoạt động như bình thường", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Maria V. Zakharova, nói với các phóng viên.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và phương Tây cũng như các nhà quan sát, bình luận chính trị vẫn cố theo dõi và đang phân tích "nhất cử nhất động" của Nga ở Ukraine để dự đoán "bước đi" tiếp theo của Tổng thống Putin.
Các quan chức Ukraine và Mỹ nói rằng việc giảm bớt nhân viên ở Đại sứ quán Nga tại Kiev có thể là đòn tâm lý nhằm gia tăng áp lực, hoặc có thể là hành động chuẩn bị cho một cuộc xung đột sắp xảy ra, và thậm chí có thể là cả 2 khả năng trên.
Phương Tây xem động thái mới của Nga là một phần của câu đố về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng được xem là tín hiệu đáng ngại hơn, ngoài các cuộc tấn công mạng vào các bộ của Ukraine vào tuần trước.
Những đoàn xe lửa khổng lồ chở đầy xe tăng, tên lửa của Nga cùng các binh sĩ đang tiếp tục hành quân về phía tây - dường như hướng tới biên giới Ukraine, cộng với nhiều yếu tố khác, đang khiến giới chức ở Kiev "đứng ngồi không yên".
Tuy nhiên, tại Washington, các quan chức Mỹ cho biết, họ vẫn tin rằng ông Putin chưa đưa ra quyết định có tấn công Ukraine hay không. Họ cũng tin rằng, ông Putin là một nhà chiến thuật hơn là một chiến lược gia và sẽ cân nhắc mọi yếu tố rủi ro thật kỹ.
Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng, việc Nga sơ tán dần dần Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở Ukraine có thể nhằm chuyển đi thông điệp nào đó.
Hoặc là người Nga muốn ngầm răn đe Mỹ và các đồng minh phương Tây nên thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Moscow rằng Ukraine không bao giờ có thể được gia nhập NATO đồng thời quân đội cũng như vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hạng nặng khác của NATO phải được loại bỏ khỏi các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, chẳng hạn Ba Lan.
Hoặc người Nga cũng có thể đang cố gắng chỉ ra rằng, một cuộc tấn công đang được chuẩn bị, mặc dù không có tín hiệu nào khác.
Trên thực tế, không ai ngoài giới lãnh đạo ở Điện Kremlin biết chắc chắn những ngày hoặc tuần tiếp theo có thể diễn biến như thế nào.
Đăng nhận xét