Theo Ancient Origins, hộp sọ tiền sử kỳ lạ được phát hiện trong một hang động đá vôi ở Kabwe, Zambia - được xác định có niên đại từ 125.000 đến 300.000 năm - có các đặc điểm của người Homo sapiens.
Điều đặc biệt là trên hộp sọ tiền sử hiện được trưng bày tại một bảo tàng ở London, các nhà khảo cổ học phát hiện ra một lỗ nhỏ hình tròn vô cùng hoàn hảo được cho là "chỉ có thể được tạo ra bởi một viên đạn được bắn ở vận tốc cực cao".
Từ vị trí của lỗ tròn và tấm xương đỉnh sọ bị vỡ ở phía đối diện, các nhà nghiên cứu cho rằng, đường đạn đã đi từ phía bên trái, xuyên qua hộp sọ với một lực mạnh đến nỗi nó làm vỡ hoàn toàn hộp sọ bên phải.
Một câu hỏi đặt ra là, vì sao hộp sọ thời tiền sử này lại có lỗ đạn? Ban đầu người ta cho rằng, lỗ thủng trên hộp sọ Kabwe có thể do một mũi giáo hoặc lao được phóng ở tốc độ cao gây ra, nhưng các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều này là không thể.
“Khi một hộp sọ bị đâm trúng bởi vũ khí có vận tốc tương đối thấp - chẳng hạn như mũi tên hoặc ngọn giáo - nó sẽ tạo ra các vết nứt hoặc vân xuyên tâm - nghĩa là, những vết đứt gãy chân tóc nhỏ chạy xung quanh nơi va chạm”, tờ The Shields Gazette bình luận.
Do trên hộp sọ Kabwe không có vết nứt hoặc vân xuyên tâm nên người ta thống nhất rằng vũ khí được sử dụng để gây ra lỗ tròn hoàn hảo như vậy phải có vận tốc lớn hơn nhiều so với mũi tên hoặc ngọn giáo.
Ông David Hatcher Childress, một chuyên gia pháp y người Đức khẳng định, lỗ thủng trên hộp sọ Kabwe chỉ có thể được tạo ra bởi một viên đạn!
Nhà nghiên cứu Rene Noorbergen cũng đồng tình và nói rằng, vết thương ở những nạn nhân hiện đại bị đạn bắn trúng đầu bởi một khẩu súng trường công suất lớn cũng tương tự như trên hộp sọ thời tiền sử.
Trong khi các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được bí ẩn về hộp sọ Kabwe thì nhiều giả thiết gây sốc được đặt ra như, hộp sọ Kabwe là bằng chứng cho thấy từng có sự tồn tại của một nền văn minh tiên tiến thời tiền sử và từ thời đó, họ đã chế ra súng đạn như chúng ta ngày nay. Hoặc, người Homo sapiens đã bị tấn công bởi vũ khí tối tân của một nền văn minh tiên tiến "ngoài Trái đất".
Tuy nhiên, giả thiết được ủng hộ nhất là có thể lỗ tròn trên hộp sọ là do trúng mảnh vỡ của một thiên thạch hoặc là kết quả của “một căn bệnh nhiễm trùng nào đó, chứ không phải là tổn thương do chấn thương".
Giả thiết này được củng cố khi các nhà khảo cổ phát hiện một hộp sọ cổ đại khác cũng có một lỗ đạn hoàn hảo tương tự như hộp sọ Kabwe.
Hộp sọ được tìm thấy ở Nga thuộc về một loài bò rừng châu Âu sống cách đây từ 2 triệu đến 4.000 năm và hiện đã tuyệt chủng. Giống như hộp sọ Kabwe, lỗ thủng trên hộp sọ bò rừng ở Nga cũng không có các vết nứt xuyên tâm do mũi tên hoặc mũi giáo gây ra.
Hộp sọ - hiện được trưng bày trong Bảo tàng Cổ sinh vật học ở Moscow có vết vôi hóa xung quanh lỗ đạn chứng tỏ con vật đã sống sót sau khi gặp phải vết thương kỳ lạ.
Tuy nhiên, theo Ancient Origins, bí ẩn về hộp sọ tiền sử có lỗ thủng giống bị đạn bắn vẫn sẽ chưa thể lý giải, trừ khi các nhà khoa học tìm được thêm bằng chứng hoặc nhiều hộp sọ và hóa thạch tiền sử khác có cùng loại thương tích như vậy.
Đăng nhận xét