Các đường lối cứng rắn của Moscow lẫn Washington cho thấy triển vọng mong manh của các cuộc đàm phán được kỳ vọng sẽ ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng ở châu Âu.
Các cuộc đàm phán bắt đầu vào thứ Hai 10/1 tại Geneva trước khi chuyển đến Brussels và Vienna, nhưng hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói rằng hoàn toàn có khả năng giải pháp ngoại giao có thể kết thúc sau một cuộc họp.
"Tôi không thể loại trừ bất cứ điều gì, đây là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra", ông Ryabkov nói.
Ông Ryabkov, người dẫn đầu phái đoàn Nga tại Geneva cho biết: "Đương nhiên, chúng tôi sẽ không nhượng bộ trước bất cứ áp lực" hoặc những đe dọa liên tục từ những đối tác tham gia cuộc đàm phán.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Ryabkov cho biết Moscow không lạc quan khi bước vào cuộc đàm phán.
Dự đoán của Mỹ cũng ảm đạm tương tự.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến bất kỳ đột phá nào trong tuần tới", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN.
Trước yêu cầu của Nga đối với sự đảm bảo an ninh của phương Tây, Mỹ và các đồng minh cho biết họ sẵn sàng thảo luận về khả năng mỗi bên hạn chế các cuộc tập trận quân sự và triển khai tên lửa trong khu vực.
Cả hai bên sẽ đặt các đề xuất lên bàn và sau đó xem liệu có cơ sở để tiến tới hay không, ông Blinken nói.
“Để đạt được tiến bộ thực tế, rất khó để thấy điều đó xảy ra khi đang có leo thang, khi Nga dí súng vào đầu Ukraine với 100.000 quân gần biên giới”, ông Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News.
Trước cuộc hội đàm chính thức, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã gặp người đồng cấp Ryabkov tại Geneva vào Chủ nhật 9/1 và nói với rằng Washington "sẽ hoan nghênh tiến bộ thực sự thông qua ngoại giao", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Hàng chục nghìn binh sĩ Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraine làm dấy lên quan ngại Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nước láng giềng - 8 năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Nga phủ nhận có bất cứ kế hoạch tấn công nào và cho biết họ đang đáp trả hành vi gây hấn và khiêu khích từ liên minh quân sự NATO và Ukraine, vốn nghiêng về phương Tây và mong muốn gia nhập NATO.
Lãnh đạo Điện Kremlin cho biết, sau những làn sóng mở rộng liên tiếp của NATO, đã đến lúc Nga phải thực thi "lằn ranh đỏ" của mình và đảm bảo liên minh này không kết nạp Ukraine hoặc bố trí các hệ thống vũ khí ở nước này để đe dọa Nga.
Về phần mình, NATO cho biết đây là một liên minh phòng thủ và Moscow không có gì phải lo sợ về điều đó. Nhưng điều này khác xa với thế giới quan của Tổng thống Putin, vốn coi Nga đang bị đe dọa từ các cường quốc thù địch phương Tây.
Trong 2 cuộc điện đàm trong 5 tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo ông Putin rằng, Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có trong trường hợp Moscow tiếp tục gây hấn với Ukraine.
Ông Putin nói rằng đó sẽ là một sai lầm to lớn dẫn đến sự rạn nứt hoàn toàn trong quan hệ.
Ngoài các cuộc đàm phán Geneva, Nga cũng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với NATO tại Brussels vào 13/1 và tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ở Vienna vào 14/1.
Đăng nhận xét