Gần 3 tháng kể từ khi hàng chục nghìn binh sĩ Nga tập trung gần biên giới Ukraine, căng thẳng thu hút sự chú ý của thế giới vẫn chưa "hạ nhiệt".
Chính quyền Biden đã cảnh báo Moscow về các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nếu Điện Kremlin tấn công Ukraine - bất chấp Nga kịch liệt phủ nhận về ý định tấn công nước láng giềng.
Điều gì đang thúc đẩy hành vi của Nga? Putin đã nói rõ điều này trong cuộc họp báo cuối năm mới đây của ông, rằng nhiều đợt mở rộng của NATO là động lực chính dẫn đến cuộc khủng hoảng ở biên giới Nga-Ukraine.
"Chúng tôi đã nói rõ rằng bất kỳ sự di chuyển nào của NATO sang phía Đông là không thể chấp nhận được. Có điều gì không rõ ràng về điều này hay sao?", ông Putin nói hôm 23/12.
Theo News Week, đối với Putin, câu trả lời rất rõ ràng. Ông coi việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga là mối đe dọa trực tiếp và hiện tại đối với an ninh quốc gia của chính Nga.
Quan điểm này không phải chỉ là của riêng ông Putin và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và phương Tây cũng không nên cho rằng nhận thức này sẽ biến mất khi ông Putin rời chính trường.
Sự di chuyển của NATO vào một khu vực mà Nga coi là phạm vi ảnh hưởng của mình đã luôn gây khó chịu ngay từ đầu thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Các cựu Tổng thống Bill Clinton và Boris Yeltsin, mặc dù có mối quan hệ cá nhân thân thiện nhưng vẫn có một số bất đồng gay gắt về chủ đề mở rộng NATO, và Yeltsin tin rằng nó có thể cô lập Nga khỏi cấu trúc an ninh châu Âu.
Cựu Đại sứ Thomas Pickering đã viết trong một bức điện ngoại giao gửi cựu Ngoại trưởng Warren Christopher vào ngày 6/12/1994 rằng, "sự thù địch đối với sự mở rộng của NATO hầu như được cảm nhận ở toàn bộ nền chính trị nước Nga".
Trong bức điện một năm sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh lúc bấy giờ là Malcolm Rifkind cũng thừa nhận rằng ngay cả những người được gọi là cải cách trong hệ thống chính trị Nga cũng "khó chịu với sự bành trướng của NATO".
Tình cảm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của Nga, đặc biệt là đối với Ukraine. Moscow không thể chấp nhận một nước láng giềng khác gia nhập câu lạc bộ NATO và dường như sẵn sàng sử dụng mọi nguồn sức mạnh quốc gia của mình để ngăn chặn điều này, ngay cả khi đó là lựa chọn cực đoan nhất - một cuộc chiến có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế của Nga.
Tổng thống Biden và Putin sẽ có cuộc điện đàm vào ngày 30/12, cuộc điện đàm thứ hai trong một tháng. Các quan chức Mỹ và Nga cũng đang thảo luận về các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao 2 nước dự kiến được tổ chức vào ngày 10/1, sau đó là các cuộc đàm phán Nga-NATO vào ngày 12/1. Moscow đang yêu cầu một số nhượng bộ, chẳng hạn như việc rút các lực lượng của Mỹ và NATO khỏi các nước ở Đông và Trung Âu - điều được cho là sẽ bị Mỹ, NATO từ chối ngay lập tức.
Tuy nhiên, vẫn có những lĩnh vực khác có thể đạt thỏa thuận, chẳng hạn như khả năng Ukraine gia nhập NATO.
Nga muốn NATO đảm bảo không kết nạp Ukraine. NATO bên ngoài tuyên bố rằng yêu cầu này là không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Ukraine được gia nhập NATO là rất nhỏ - và rất khó có khả năng liên minh này sẽ đạt được sự đồng thuận để kết nạp Ukraine.
Hơn nữa rõ ràng, Washington và châu Âu cũng không muốn sử dụng quân đội đối đầu với một nước Nga có vũ khí hạt nhân. Chiến đấu với Nga để kết nạp Ukraine đơn giản là điều không đáng để NATO và Mỹ liều lĩnh, News Week bình luận.
Cuối cùng, không ai trong chúng ta có thể nói chắc chắn liệu các cuộc đàm phán sắp tới có đủ để xoa dịu nỗi sợ hãi của Nga về việc bị bao vây hay không. Nhưng mối quan hệ giữa Washington và Moscow chắc chắn sẽ vẫn còn căng thẳng vì một số vấn đề khác, từ các cuộc tấn công mạng và vi phạm nhân quyền cho đến việc triển khai các lực lượng bán quân sự do Nga hậu thuẫn.
Nhưng đàm phán để tìm kiếm một kết quả tích cực và thực hiện các bước giảm leo thang sẽ tốt hơn nhiều so với việc để mặc mọi thứ mất kiểm soát khiến một cuộc chiến bùng lên.
Đăng nhận xét