Đề xuất mới của tướng NATO có thể khiến Điện Kremlin 'nổi đóa'

Đề xuất mới của tướng NATO có thể khiến Điện Kremlin 'nổi đóa' - Ảnh 1.

Giữa căng thẳng với Nga, tướng hàng đầu NATO muốn đưa binh sĩ tới Bulgaria, Romania. Ảnh Getty)

Tờ báo hàng đầu của Đức Spiegel đưa tin, Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ đặc trách châu Âu kiêm chỉ huy quân đồng minh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Tod Wolters đã gợi ý về việc liên minh nên thiết lập sự hiện diện quân sự ở Bulgaria và Romania sau khi Nga tăng cường quân đội gần biên giới với Ukraine.

Điều này sẽ mở rộng sứ mệnh "Tăng cường hiện diện phía trước" (EFP) của NATO - vốn đã triển khai lực lượng quân sự đến các quốc gia Baltic và miền đông Ba Lan.

Tờ Spiegel của Đức không trực tiếp trích dẫn lời của tướng Wolters. Tờ báo chỉ cho biết, ông Wolters đã "kêu gọi tăng cường quân đội ở biên giới phía đông" của NATO trong một liên kết video với các chỉ huy quân sự của "các quốc gia đối tác".

NATO hiện từ chối bình luận về báo cáo của Der Spiegel. Nhưng việc mở rộng sự hiện diện của NATO tới Bulgaria và Romania là điều mà cả hai nước này đều mong muốn.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Sáu 17/12 cho biết NATO, sẽ "liên tục đánh giá sự cần thiết của việc phải điều chỉnh hơn nữa vị thế của chúng tôi, sự hiện diện của chúng tôi, bởi vì chúng tôi cần chắc chắn rằng chúng tôi luôn có thể bảo vệ các đồng minh trước bất kỳ mối đe dọa nào".

Tuy nhiên, việc NATO mở rộng về phía Đông bị phía Nga cực lực phản đối và khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực. 

Nga mới đây đã ra điều kiện với NATO để giảm leo thang căng thẳng. Theo đó, Điện Kremlin đã yêu cầu NATO ràng buộc về mặt pháp lý để không kết nạp Ukraine và không mở rộng về phía đông nếu không muốn đối mặt các phản ứng quân sự tương tự Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Một số yêu cầu khác bao gồmviệc loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu và rút các tiểu đoàn NATO khỏi Ba Lan cũng như các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania từng thuộc Liên Xô (cũ).

Moscow cũng yêu cầu Washington không tổ chức các cuộc tập trận ở Ukraine, Đông Âu, các nước vùng Caucasus như Georgia hoặc ở Trung Á mà không có sự đồng ý trước của Nga.

Các quan chức phương Tây đã lên tiếng tuyên bố, một số yêu sách của Nga là "không thể chấp nhận".

"Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp các nguyên tắc chính mà nền an ninh châu Âu được xây dựng. Điều đó bao gồm việc tất cả các quốc gia có quyền tự quyết định tương lai và chính sách đối ngoại của mình mà không bị can thiệp từ bên ngoài", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố ngày 17/12.

Adblock test (Why?)