Nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị nhiễm biến thể Omicron, đặc biệt là những người đã được tiêm chủng, có thể phát triển khả năng miễn dịch tăng cường đối với biến thể Delta. Phân tích dựa trên 33 người đã được tiêm chủng cũng như chưa tiêm chủng bị nhiễm biến thể Omicron ở Nam Phi.
Các tác giả phát hiện ra rằng 14 ngày kể từ khi nhiễm Omicron, mức độ trung hòa của biến thể mới này sẽ tăng lên 14 lần, trong khi mức trung hòa đối với biến thể Delta tăng 4,4 lần. Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu cho biết: "Sự gia tăng khả năng trung hòa biến thể Delta ở những cá nhân bị nhiễm Omicron có thể làm giảm khả năng tái nhiễm Delta. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng Omicron sẽ thay thế biến thể Delta, vì nó có thể tạo ra khả năng miễn dịch vô hiệu hóa Delta khiến cho việc tái nhiễm Delta ít có khả năng xảy ra hơn".
Theo các nhà khoa học, việc Omicron có thay thế Delta hay không vẫn còn phụ thuộc vào mức độ gây bệnh của biến thể mới.
"Nếu Omicron thay thế Delta thì tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 nặng sẽ giảm xuống, tình trạng lây lan cũng có thể ít gây ảnh hưởng hơn", Alex Sigal, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi ở Nam Phi, cho biết trên Twitter.
Trong một nghiên cứu ở Nam Phi trước đó, các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng nhập viện và bệnh nặng ở những người bị nhiễm Omicron có xu hướng giảm so với Delta, tuy nhiên họ cho rằng đây có thể là do khả năng miễn dịch của quần thể ở mức cao.
Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở miền nam châu Phi và Hồng Kông hồi tháng 11, kể từ đó nó đã lan rộng ra toàn thế giới và khiến hệ thống y tế ở một số quốc gia gặp khó khăn.
Đăng nhận xét