Ngày 1/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển".
Người phát ngôn khẳng định: "Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS".
Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi được Trung Quốc thông qua từ tháng 4/2021 và có hiệu lực từ 1/9/2021, trong đó Trung Quốc yêu cầu các tàu nước ngoài báo cáo thông tin chi tiết khi đi vào vùng biển mà Trung Quốc gọi là "lãnh hải" của mình.
Các tàu phải báo cáo gồm: Tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hoá chất, khí hoá lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị coi là mối đe doạ với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, với luật này, Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến thuật "vùng xám" với những cách giải thích mập mờ để tìm cách hợp thức hoá các yêu sách chủ quyền phi lý của họ. Trong luật, Trung Quốc không giải thích rõ "lãnh hải" của họ là gì, tuy nhiên họ nhiều lần tuyên bố "lãnh hải Trung Quốc" bao gồm cả đường lưỡi bò, chiếm tới 90% Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi đó theo quy định của UNCLOS, vùng lãnh hải là vùng biển rộng 12 hải lý tiếp giáp với đường cơ sở của các quốc gia ven biển, và không áp dụng với các đảo của các quốc gia không phải quần đảo. Và Trung Quốc không phải quốc gia quần đảo.
UNCLOS cũng quy định việc đi qua vô hại là "liên tục và nhanh chóng", miễn không phương hại đến hoà bình, trật tự hoặc an ninh của quốc gia ven biển. Do đó, nếu tàu nước ngoài dang thực hiện việc đi lại vô hại, các quốc gia ven biển không có quyền cản trở.
Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của nhiều nước trên thế giới. Trung Quốc thực thi luật này có thể gây căng thẳng với các quốc gia có tàu qua lại trong khu vực.
Đăng nhận xét