Vị vua vĩ đại có cái chết gây tranh cãi
Tutankhamun có khoảng 11 năm cai trị ở Ai Cập cổ đại trong giai đoạn 1332-1323 TCN. Ông là thường hay được gọi theo cách thông dụng là vua Tut. Vào thời điểm lên ngôi năm 1906 TCN, Tutankhamun mới 8 tuổi, nhưng điều này không có gì lạ đối với một vị vua Ai Cập cổ đại. Năm 2278 TCN, Vua Pepi II lên ngôi lúc khoảng tuổi và ông nội của Tutankhamun cũng kế vị ngai vàng khi mới 10 tuổi.
Thậm chí, Tuthmosis III, được gọi là "Napoléon của Ai Cập cổ đại" chỉ mới 2 tuổi khi trở thành Pharaoh vào năm 1479 TCN. Còn vua Ptolemy V lên ngôi khi mới 5 tuổi.
Khi lên ngôi vua, Tutankhamun đã kết hôn với người chị cùng cha khác mẹ với mình là Ankhesenpaaten, bà sau đó đổi tên thành Ankhesenamun.
Trong thời gian cai trị, Tutankhamun dường như không để xảy ra những biến cố lớn và đã tiến hành một số cải cách mang ý nghĩa to lớn. Một trong số đó là việc Tutankhamun đã chấm dứt việc thờ cúng thần Aten và khôi phục lại địa vị tối cao của thần Amun. Bản thân vua Tut lúc này đổi tên thành Tutankhamun có nghĩa là “Hiện thân sống của Amun”, và vợ ông thành Ankhesenamun có nghĩa là “Sống vì thần Amun”. Trước đó, tên của vua Tut vốn là Tutankhaten, có nghĩa là "Hiện thân sống của Aten".
Điều này được người dân Ai Cập hết lòng ủng hộ và tin tưởng. Nhà vua còn bắt đầu các dự án xây dựng lớn, đặc biệt là tại đền Karnak ở Thebes, cho tổ chức lại các lễ hội truyền thống...
Vương quốc Ai Cập đã rơi vào tình trạng suy yếu về kinh tế và hỗn loạn dưới vương triều của Akhenaten. Quan hệ ngoại giao với các vương quốc khác đã bị bỏ bê. Tuy nhiên, vua Tut đã thành công khôi phục lại chúng. Vương quốc Ai Cập dưới thời vua Tut đã trở nên phồn thịnh hơn, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được đảm bảo.
Tuy nhiên, khi mới 19 tuổi, vị Pharaoh vĩ đại đột ngột qua đời. Cái chết đầy bí ẩn của ông từng được cho là do bị ám sát. Người ta cho rằng, ông bị kẻ ám sát đánh một cú chí mạng vào đầu dẫn đến tử vong bởi có một mảnh xương nhỏ, rời rạc bên trong hộp sọ của ông. Tuy nhiên khi chụp X-quang vết thương này vào năm 1968, các nhà nghiên cứu nhận ra vết vỡ này là tổn thương sau khi khám nghiệm tử thi. Một số người lại chuyển sự chú ý sang phần ngực bị tổn thương và xương sườn bị gãy của vua Tut và cho rằng, ông bị bánh xe chiến xa chèn vào trong một trận chiến.
Năm 2005, kết quả chụp CT cho thấy xương đùi trái của Tutankhamun bị gãy và nhiễm trùng do vết thương không được xử lý triệt để. Theo một giả thuyết, vua Tut đã gặp chấn thương ở chân do bị ngã ngựa trong một chuyến đi săn.
Một số nghiên cứu khác cũng đặt ra giả thiết rằng vua Tut có thể chết vì bệnh sốt rét, hoặc mắc các hội chứng như Marfan, Klippel-Feil và Klinefelter's.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định chắc chắn về nguyên nhân cái chết của vua Tut, điều duy nhất họ đồng thuận là vị vua này đã chết khi 19 tuổi.
Thực hư lời nguyền xác ướp
Sau khi qua đời, vua Tut được chôn cùng rất nhiều của cải, vàng bạc châu báu. Chính vì vậy mà lăng mộ của vị Pharaoh này luôn là mục tiêu bị trộm mộ rình rập. Tuy nhiên, những kẻ trộm mộ cũng luôn e sợ lời nguyền chết chóc khi mở lăng mộ vua Tut nên xác ướp và kho báu vô giá bên trong lăng mộ vị Pharaoh vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi được khai quật.
Lăng mộ pharaoh Tutankhamun được phát hiện năm 1922 bởi nhà khảo cổ học Howard Carter và nhóm của ông. Họ thu thập được tổng cộng 5.398 vật phẩm trong lăng mộ, bao gồm quan tài rắn bằng vàng, mặt nạ, ngai, cung tên, kèn trumpet, chén hoa sen, thực phẩm, rượu vang...
Trong lăng mộ có sáu cỗ xe ngựa (trong đó 2 cỗ xe được dát vàng), 50 cái cung, 2 thanh gươm, tám cái khiên, 2 lưỡi dao găm và đồ dùng đủ loại. Đặc biệt, có cả một con dao găm lấy có lưỡi sắt được làm bằng thiên thạch được tìm thấy trong lăng mộ. Howard Carter đã phải mất 10 năm để phân loại các vật phẩm thuộc về vua Tut.
Tuy nhiên, George Herbert, bá tước Carnarvon đời thứ 5 - người hỗ trợ tài chính cho cuộc khai quật lăng mộ Tutankhamun đã qua đời chỉ 6 tuần sau khi lăng mộ vị Pharaoh được mở ra, làm dấy lên những lời đồn đại đáng sợ về lời nguyền xác ướp chết chóc.
Theo đó, người ta đồn rằng, nhà khảo cổ Carter đã tìm thấy một tấm bia bên trong lăng mộ vua Tut có khắc lời nguyền: “Cái chết sẽ giáng xuống kẻ quấy rầy sự yên bình của nhà Vua. Đối với bất kỳ ai xâm phạm ngôi mộ này trong sự ô uế, tôi sẽ vặn cổ người đó như vặn cổ mộ con chim. Đối với ai phá hủy ngôi mộ, thần Thoth sẽ tiêu diệt người đó. Với người phá hủy dòng chữ này, người đó sẽ không về được nhà mình. Anh ta sẽ không được ôm hôn các con và sẽ không bao giờ nhìn thấy thành công”.
Tuy nhiên, Carter được cho là đã che giấu việc này. Lời nguyền Tutankhamun hay lời nguyền xác ướp càng lan truyền mạnh mẽ hơn khi có thêm hàng loạt người khác liên quan đến việc khai quật lăng mộ vua Tut chết bí ẩn.
Đáng chú ý là, George Jay Gould I, một nhà tài chính Mỹ, bất ngờ bị sốt sau chuyến thăm tới lăng mộ Tutankhamun năm 1923 rồi qua đời chỉ vài tháng sau đó.
Archibald Douglas-Reid, người chụp X-quang xác ướp Tutankhamun bị ốm ngay sau khi vào lăng mộ và mất ngày 15/1/1924 vì một căn bệnh bí ẩn.
Ly kỳ hơn là trường hợp của Hugh Evelyn-White, nhà Ai Cập học người Anh đồng thời là một trong số những người đầu tiên có mặt tại lăng mộ Tutankhamun, treo cổ tự tử năm 1924. Ông để lại một ghi chú viết bằng máu nói rằng: "Tôi chịu thua lời nguyền buộc tôi biến mất mãi mãi".
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc một số người liên quan đến việc khai quật lăng mộ vua Tut chết đột ngột có thể là vì họ nhiễm mầm bệnh cổ xưa (nấm mốc, vi khuẩn, côn trùng...) ẩn giấu bên trong lăng mộ.
Đăng nhận xét