Một khu vực ở thành phố Thẩm Dương chìm trong bóng tối vì cắt điện.
Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng điện năng ngày càng trầm trọng, do thiếu nguồn cung từ than, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong các ngành sản xuất và từ người tiêu dùng.
Trung Quốc đã siết chặt quy định sản xuất điện từ than, trong bối cảnh nước này sắp tổ chức Olympic mùa đông, cũng như sức ép đảm bảo cam kết cắt giảm khí thải.
Điều này dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên, thậm chí không báo trước đối với cộng đồng dân cư ở nhiều tỉnh. Nhiều người dân Trung Quốc đã lên mạng phàn nàn về tình trạng thiếu điện để sưởi ấm, trong khi hệ thống đèn giao thông và các cơ sở hạ tầng công cộng khác không hoạt động, khiến nhiều khu vực chìm vào bóng tối.
Trong tháng qua, 16 trên 31 tỉnh ở Trung Quốc - từ những vùng công nghiệp giàu có ở miền nam như Quảng Đông tới các tỉnh thuộc vành đai công nghiệp vùng đông bắc - đã ban hành các biện pháp điều tiết điện năng, thổi bùng lên báo động trên diện rộng trong cộng đồng và đe dọa các ngành công nghiệp.
Một công ty năng lượng ở Trung Quốc nói, cuộc khủng hoảng năng lượng “có thể trở thành điều bình thường mới” và tình trạng thiếu điện có thể còn kéo dài tới mùa xuân năm sau, theo BBC.
Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cắt điện luân phiên là ở vành đai công nghiệp phía đông bắc, bao gồm tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh.
Các tỉnh phía đông bắc Trung Quốc chịu ảnh hưởng đáng kể vì quy định hạn chế sử dụng điện.
Cư dân thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, được yêu cầu hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện năng lớn như lò vi sóng và thiết bị đun nước trong giờ cao điểm, theo Reuters.
Một cư dân ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, nói các trung tâm thương mại đóng cửa từ 4 giờ chiều, sớm hơn nhiều so với bình thường.
Tuần trước, 23 người nhập viện do ngộ độc khí CO sau khi hệ thống thông gió trong một nhà máy đúc kim loại ngừng hoạt động vì cúp điện đột ngột ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh.
Theo Reuters, cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc thực tế đã diễn ra từ tháng 3, ảnh hưởng tới các công ty sản xuất nhôm và hóa chất. Nhưng người tiêu dùng Trung Quốc mới phải chịu cảnh mất điện đột ngột từ tháng trước.
Cuộc khủng hoảng đã có tác động tiêu cực đến các dự báo kinh tế ngắn hạn ở Trung Quốc, nguy cơ Bắc Kinh phải cắt giảm triển vọng tăng trưởng là rất cao.
Tập đoàn tài chính toàn cầu Nomura Holdings hạ mức dự báo tăng trưởng GDP trong quý III và quý IV của Trung Quốc, lần lượt là 4,7% và 3%, so với dự báo trước đó là 5,1% và 4,4%.
Nomura cũng hạ mức dự báo GDP cả năm của Trung Quốc xuống, từ 8,2% xuống còn 7,7%.
Đăng nhận xét