Theo Sohu, vị quốc vương này là Phra Nangklao (1788-1851) của Vương triều Chakri, Thái Lan. Vương triều Chakri được thành lập từ năm 1782 và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Với 239 năm tồn tại và phát triển, Vương triều Chakri hiện có tổng cộng 10 đời vua. Vị quốc vương đang trị vì là Rama X - người đăng quang vào năm 2019, sau khi cha ông - vua Rama IX qua đời.
Theo truyền thống có từ thế kỷ 18, các vị quốc vương của Vương triều Chakri giữ danh hiệu là Rama, đại diện của thần Vishnu trong sử thi Ramayana của Ấn Độ xưa. Các quốc vương của Vương triều Chakri thường truyền ngôi cho con trai của mình. Nhưng vẫn có một ngoại lệ khi quốc vương Nangklao (Rama III) trong lúc lâm chung đã bỏ qua các con mình để truyền ngôi cho người em trai cùng cha khác mẹ.
Theo Sohu, quốc vương Nangklao sinh ngày 31/3/1788. Ông là con trai trưởng của vua Rama II. Mẹ ông là công chúa Chao Chom Manda Riam - một phi tần của vua Rama II (về sau đổi tên thành KromSomdej Phra Srisulalai). Quốc vương Nangklao nổi tiếng là vị vua anh minh, giỏi giang. Khi mới 21 tuổi, ông đã thành công trong việc dẹp tan nội loạn, được vua cha đánh giá cao và khen ngợi.
Trước khi lên ngôi, quốc vương Nangklao từng giữ vị trí như Bộ trưởng ngoại giao và thương mại trong triều đình của vua cha. Ở cương vị này, ông đã thúc đẩy quan hệ thương mại với nhà Thanh và đem lại nguồn thu lớn cho triều đình.
Năm 1824, khi vua Rama II đột ngột qua đời không kịp chỉ định người kế vị, thì theo luật kế vị, lẽ ra hoàng tử Mongkut - con trai của hoàng hậu Srisuriyendra phải là người kế vị. Tuy nhiên, hoàng tử Mongkut lúc này còn trẻ, lại đang xuất gia đi tu theo truyền thống của Thái Lan và không thể hoàn tục ngay, vì thế, quốc vương Nangklao - một người có kinh nghiệm chính trị và rất có ảnh hưởng thời điểm đó đã được triều thần ủng hộ lên ngôi.
Tài năng của quốc vương Nangklao là điều không cần bàn cãi, vì thế, việc ông kế vị vua cha cũng là điều hợp lý. Thực tế đã chứng minh, trong thời gian trị vì, quốc vương Nangklao đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhà Thanh, nhưng quốc vương Nangklao không thực thi rập khuôn chính sách “bế quan tỏa cảng” mà tích cực phát triển quan hệ ngoại giao với phương Tây, đặc biệt là Anh. Quốc vương Nangklao cũng kiên quyết trấn áp việc mua bán thuốc phiện và sử dụng hàng loạt biện pháp để giảm thiểu tác hại của thuốc phiện.
Chính nhờ sự cai trị của vua Rama III mà Bangkok, thủ đô của Xiêm (sau này mới đổi thành Thái Lan) lúc đó đã rất thịnh vượng, mở rộng mạnh mẽ.
Điều đáng nói là trong suốt 15 năm trị vì, vua Rama III có tổng cộng 35 phi tần trong hậu cung và 51 người con. Nhưng khi còn khỏe mạnh, vua Rama III không lập thái tử và không người con nào của ông được chỉ định sẽ là người kế vị. Có giai thoại nói rằng, Rama III muốn bồi dưỡng và truyền ngôi cho hoàng tử thứ 6 vì tài năng của vị hoàng tử này vượt trội hơn những người con khác. Tuy nhiên, điều không mong muốn đã xảy ra khi vua Rama III bị ốm rồi mất quá sớm.
Trước khi lâm chung, vua Rama III đã triệu tập các quan đại thần và thông báo rằng người thừa kế ngai vàng sẽ là em trai cùng cha khác mẹ của ông, hoàng tử Mongkut - một người vô cùng tài năng, đức độ và được xem là cha đẻ của khoa học và công nghệ hiện đại của Thái Lan.
Theo Dayday News, việc Rama III bỏ qua 51 người con của mình để truyền ngôi cho em trai là quyết định vĩ đại và vô cùng sáng suốt. Nguyên nhân có thể vì Rama III cho rằng, ngai vàng vốn thuộc về hoàng tử Mongkut, nhưng xét từ góc độ lợi ích quốc gia của Xiêm, thì hoàng tử Mongkut thực sự là một nhân tài Trong lịch sử phong kiến, thực sự hiếm có vị vua nào có thể dẹp bỏ tình cha-con để nghĩ cho đại cục, vì sự ổn định của đất nước để truyền ngôi cho em một người em trai cùng cha khác mẹh như Rama III.
Đăng nhận xét