Các tay súng Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ 15/8. Ảnh: Reuters
Taliban đã chiếm lĩnh "thành trì" cuối cùng của phe kháng chiến và đơn phương công bố chính phủ mới để điều hành đất nước. Điều này diễn ra chỉ trong một tháng kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan.
Trên các mạng xã hội, một số người nói rằng, việc Taliban tiếp quản Afghanistan thu hút sự chú ý không phải chỉ vì tốc độ của nó.
"Ai đó có thể nói cho tôi biết làm thế nào Taliban có thể sống khỏe trong 18 tháng mà không cần vắc xin Covid-19, giãn cách xã hội, khẩu trang, xét nghiệm PCR hay đóng cửa các doanh nghiệp, trong bối cảnh đại dịch hay không?", Ted Nugent, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ Mỹ, viết trên Facebook vào đầu tháng 9.
Bài viết trên Facebook của Nugent thu hút hơn 6.600 lượt chia sẻ chỉ trong 1 ngày. CrowdTangle, một công cụ cung cấp thông tin chi tiết trên mạng xã hội, cho biết, các nhận định tương tự như của Nugent đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác trên Facebook và Instagram trong vài tuần qua. Nhưng liệu có đúng là các tay súng Taliban và người Afghanistan có thể "sống khỏe" giữa đại dịch mà không cần vắc xin, giãn cách xã hội, xét nghiệm và các biện pháp hạn chế khác hay không?
Theo trang USA Today, nhận định trên không phản ánh đúng thực tế ở Afghanistan.
Trước đây, Taliban đã phản đối các hướng dẫn y tế công cộng và hiện không rõ tổ chức này đang tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19 ở mức độ nào mỗi ngày. Nhưng Taliban có khuyến khích đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội, đồng thời Afghanistan không phải không bị Covid-19 tàn phá. Hàng nghìn người Afghanistan đã chết do Covid-19 và các chuyên gia nói đó chưa phải là con số chính xác so với thực tế.
Taliban kêu gọi đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách
Bài đăng của Nugent cho rằng Taliban không sử dụng các biện pháp kiểm soát Covid-19 như giãn cách hay đeo khẩu trang là chưa đúng thực tế.
"Đó không phải lần đầu tiên tôi nghe thấy điều đó. Một số người cho rằng Taliban có thể miễn nhiễm Covid-19, như thể họ có một loại bột màu nhiệm nào đó giúp khỏe mạnh, chống lại bệnh tật", Marvin Weinbaum - giám đốc nghiên cứu về Afghanistan và Pakistan tại Viện Trung Đông (Mỹ), chia sẻ với USA Today.
Mùa xuân năm 2020, Taliban đã bắt đầu có những cuộc gặp mặt để hướng dẫn người Afghanistan các cách ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Taliban hủy các cuộc tụ tập công khai và yêu cầu người dân đeo khẩu trang, cầu nguyện tại nhà thay vì tới các nhà thờ. Tổ chức này cũng phong tỏa các khu vực bị Covid-19 càn quét và cách ly những người bị nghi nhiễm.
Gần đây hơn, các bức ảnh chụp ở Kabul cho thấy, một số tay súng Taliban đeo khẩu trang hoặc khăn che mặt.
Taliban tổ chức các buổi hướng dẫn nâng cao nhận thức về dịch Covid-19. Ảnh: RFE
Một số tay súng Taliban được trông thấy đeo khẩu trang hoặc dùng khăn che mặt. Ảnh: USA Today
Hồi tháng 7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng, "dù số ca mắc mới đang tăng nhanh, nhưng việc nhiều người không tuân thủ hướng dẫn y tế công cộng (khoảng cách, đeo khẩu trang) ở Afghanistan đang tạo ra các rủi ro lây nhiễm nghiêm trọng trong cộng đồng".
Xét nghiệm PCR cũng được áp dụng ở Afghanistan nhưng chưa rõ các thành viên Taliban được xét nghiệm thường xuyên ra sao. Theo WHO, tính tới 4/9, hơn 750.000 mẫu xét nghiệm đã được lấy ở Afghanistan.
Về việc tiêm chủng ở quốc gia này, hiện chỉ có khoảng 1% người dân Afghanistan đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19.
Taliban đã phản đối các chiến dịch tiêm chủng trong quá khứ. Nhưng vào mùa xuân năm nay, tổ chức này cho phép những nhà cung cấp dịch vụ y tế tới tiêm chủng ở các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Taliban. Đầu tháng 9, Trung Quốc thông báo rằng đang cung cấp vắc xin, thực phẩm và nhiều thứ khác với tổng trị giá 31 triệu USD cho Afghanistan.
Dẫu vậy, Liên Hợp Quốc cảnh báo, việc Taliban tiếp quản Afghanistan có thể làm chậm quá trình tiêm chủng của nước này do số người đi tiêm giảm. Hồi tháng 8, Taliban đã cấm tiêm vắc xin ở tỉnh Paktia. Theo WHO, tính tới 15/9, có hơn 2,3 triệu mũi vắc xin đã được tiêm ở Afghanistan.
Hàng nghìn người Afghanistan đã chết vì Covid-19
Theo số liệu của WHO, tính tới 24/9, Afghanistan có gần 155.000 ca nhiễm, trong đó có gần 7.200 ca tử vong vì Covid-19.
Các chuyên gia nói với USA Today rằng, chưa rõ có chính xác bao nhiêu thành viên Taliban chết do Covid-19. Nhưng nhận định cho rằng tổ chức này "miễn nhiễm" với Covid-19 là không chính xác.
Một thủ lĩnh của Taliban đeo khẩu trang khi sang thăm Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Tháng 6/2020, Tạp chí Foreign Policy đưa tin rằng, thủ lĩnh tôn giáo của Taliban, Mullah Hibatullah Akhundzada, và một số thủ lĩnh khác bị nhiễm Covid-19 ở Doha, Qatar.
Vanda Felbab-Brown, làm việc tại Viện Brookings (Mỹ), nói với USA Today qua email rằng, Covid-19 "đã gây ra nhiều cái chết cho các thủ lĩnh Taliban lớn tuổi".
Weinbaum, làm việc tại Viện Trung Đông, và một số chuyên gia khác cảnh báo, dữ liệu Covid-19 có thể chưa phản ánh chính xác tình hình thực tế.
"Nhìn chung, có rất ít cơ sở xét nghiệm Covid-19 ở Afghanistan. Vì vậy, sẽ còn nhiều ca nhiễm chưa được ghi nhận", Weinbaum nói.
Ngoài ra, việc thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe cùng một số lý do khác có thể khiến số ca tử vong vì Covid-19 ở Afghanistan được ghi nhận ở mức thấp.
Nhiều người không tuyên bố thành viên trong gia đình họ chết do Covid-19. Mục đích là để không gây hoang mang cho người tới dự đám tang", Sher Jan Ahmadzai, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan, thuộc Đại học Nebraska-Omaha (Mỹ), viết trong email gửi USA Today.
Căn cứ vào các bằng chứng và số liệu thu thập được, tờ USA Today nhận định, việc cho rằng Taliban vẫn "sống khỏe" giữa đại dịch mà không cần vắc xin, khẩu trang, khoảng cách an toàn và phong tỏa là ý kiến hoàn toàn sai.
Truyền thông thế giới thời gian qua tập trung nhiều vào biến cố lớn ở Afghanistan như chiến thắng của Taliban và việc Mỹ rút quân khỏi nước này. Những hình ảnh phổ biến trên báo chí về việc các thành viên Taliban không giãn cách, không đeo khẩu trang có thể là nguyên nhân dẫn đến nhận thức sai rằng họ không có vấn đề gì với Covid-19.
Đăng nhận xét