Đây là cơ hội để nông dân nói lên tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... với người đứng đầu Chính phủ một cách trực tiếp nhất.
Tin tưởng và kỳ vọng
Ông Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Tiếp nối thành công của hội nghị đối thoại Thủ tướng Chính phủ với nông dân lần thứ nhất tại Hải Dương và lần thứ hai tại Cần Thơ, năm nay hội nghị đối thoại Thủ tướng Chính phủ với nông dân sẽ được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk - thủ phủ của Tây Nguyên. Đây là sự kiện chính trị rất quan trọng mà các cấp Hội và bà con nông dân rất tin tưởng và kỳ vọng.
"Với chính sách về khoa học, công nghệ thì nên tăng cường đầu tư và khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu các giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững".
Ông Đa Cát Vinh -
Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng
"Tôi rất vui mừng, sau mỗi lần đối thoại, các kiến nghị của nông dân đều được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành, các địa phương phối hợp với Hội NDVN nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản"-ông Sâm chia sẻ.
Hội nghị đối thoại lần thứ 3 này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid - 19 đang tác động tiêu cực đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân cả nước.
"Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ quan tâm tháo gỡ những khó khăn, nút thắt trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn để giúp bà con nông dân phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường bền vững" - ông Sâm phấn khởi nói.
Ông Sâm cho rằng để hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị nông sản, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới các cơ chế chính sách về ruộng đất để tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các mô hình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thứ 2 là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, các giống mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Thứ 3 là có chính sách thu hút, kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn với phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, giá thành và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cần những "cú hích" để tạo đột phá
Thời gian qua, Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước trong việc phát triển mạnh mẽ nông nghiệp công nghệ cao. Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Hiện nay Lâm Đồng đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cùng với hơn 10.000 nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo chuỗi nông sản toàn cầu.
Đã có trên 55.000ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị, hoạt động khép kín từ gieo ươm cây giống, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển đến tiêu thụ.
Theo ông Vinh, Hội ND là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay. Do vậy Nhà nước cần có những "cú hích" đủ mạnh và đồng bộ từ cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực, điều kiện thuận lợi cho tổ chức Hội tiếp tục làm "cầu nối" giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân trong phát triển nông nghiệp hiện đại.
"Đối với chính sách phát triển nông nghiệp cần có sự quy hoạch đồng bộ về kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như đường, điện, hệ thống tưới tiêu, kho bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời khuyến khích nông dân liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, song vẫn đảm bảo quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân. Đối với chính sách về khoa học, công nghệ thì nên tăng cường đầu tư và khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu các giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững" - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng nêu kiến nghị.
Còn ông Nguyễn Minh Trưởng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai cho rằng: Thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội ND trong tỉnh Gia Lai đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền trích ngân sách xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên đóng góp xây dựng và sử dụng quỹ hiệu quả. Đến nay, Quỹ HTND toàn tỉnh đã đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng gần 7 tỷ đồng so với năm 2019. Với nguồn quỹ này, các cấp Hội ND đã hướng dẫn hơn 1.700 hộ và 874 nhóm hộ làm các thủ tục cần thiết vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động.
Số tiền Quỹ HTND giải ngân cho hội viên, nông dân vay đã được đầu tư vào nhiều ngành nghề và lĩnh vực sản xuất khác nhau. Trong đó, nhiều mô hình vay vốn triển khai tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng ngô sữa lấy thân (dùng làm thức ăn chăn nuôi) tại xã Tú An, thị xã An Khê; trồng hoa chất lượng cao tại phường Ngô Mây, thị xã An Khê; trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân An, huyện Đăk Pơ; sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C tại xã Trà Đa, TP.Pleiku…
Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai khẳng định: Việc thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ trong 10 năm qua trên địa bàn đã góp phần giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Gia Lai đạt được nhiều thành tích. Có thể thấy, đây là những chính sách tạo bước đột phá cho hoạt động của Hội ND nhằm bảo đảm quyền lợi, thúc đẩy nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người nông dân.
Đến năm 2020 thì hiệu lực của Kết luận 61 KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020"; và Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020… sẽ kết thúc. "Cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Gia Lai rất mong muốn sau giai đoạn trên, Đảng và Chính phủ tiếp tục duy trì hoặc ban hành các chính sách mới tương tự để nâng cao hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung" - ông Trưởng cho hay.
Kiến nghị của nông dân đều được giải quyết
"Tôi rất vui mừng, sau mỗi lần đối thoại, các kiến nghị của nông dân đều được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành, các địa phương phối hợp với Hội NDVN nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản".
Ông Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh
Cần chính sách mới nâng hiệu quả công tác hội
"Đến năm 2020 thì hiệu lực của Kết luận 61, Quyết định 673 sẽ kết thúc. Cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Gia Lai rất mong muốn sau giai đoạn trên, Đảng và Chính phủ tiếp tục duy trì hoặc ban hành các chính sách mới tương tự để nâng cao hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung".
Ông Nguyễn Minh Trưởng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai
Đăng nhận xét