Nguyễn Trính, người ngư phủ có trái tim Đan Kô
Không giống như những người thuyền trưởng khác, khi đưa tầu lên ụ, Nguyễn Trính hay đứng ở cuối con tàu, nơi có chiếc bánh lái và cánh chân vịt khổng lồ. Ông thường bảo: Ở chỗ này, ông mới cảm nhận được cái ầm ì của động cơ và tiếng quạt nước như vặn vào từng con sóng khi tầu lướt trên đại dương bao la.
Ở đất Long Điền, không ai không biết đến người đàn ông này. Không phải vì ông giầu nhất, cũng không phải vì ông có quyền chức lớn nhất. Mà bởi, ông được mệnh danh là người ngư phủ có trái tim Đan Kô.
Cách đây hơn 10 năm, biển Đông lúc ấy đang dậy sóng vì thế lực thù địch nhòm ngó, người ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ thường bị chèn ép, đánh chặn, cướp phá hải sản, tay lưới, thậm chí mất cả tính mạng. Nguyễn Trính đã xây dựng đội quân tự vệ trên biển, thường xuyên diễn tập và liên kết với Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, BCH Quân sự xã Phước Tỉnh, đáp ứng mọi tình huống ngoài khơi xa khi có điều động từ trên.
Chưa hết, cũng từ năm 2008, ông cũng đã tình nguyện đưa đội tàu gồm 4 chiếc, chở bộ đội biên phòng, hải quân, từ trong bờ đi ra nhà giàn DK1 trong điều kiện hết sức khó khăn.
Năm 2010, ông lại tình nguyện đăng ký đến 6 chiếc tàu tham gia đi quần đảo Trường Sa, luôn trong tình trạng sẵn sàng, phục vụ bất kỳ lúc nào xã cần, huyện cần, đất nước cần.
Năm 2014, khi giàn khoan HD981 tiến vào sâu trong thềm lục địa của ta, Nguyễn Trính ngay lập tức lại bàn giao 6 chiếc tàu với đầy đủ trang bị, sẵn sàng lên đường bám biển, bám ngư trường, phục vụ cho công tác của BCH quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
"Khi Tổ quốc cần, khi biển gọi, tôi có thể hiến tặng cả trái tim mình…."
Nguyễn Trính
Tất cả các đội tàu ấy, đều được Nguyễn Trính âm thầm chuẩn bị, lặng lẽ bàn giao và tận hiến những sức lực của mình mà chẳng đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Khi được hỏi vì sao, ông chỉ cười và nói: Khi Tổ quốc cần, khi biển gọi, tôi có thể hiến tặng cả trái tim mình….
Mang tiếng là ngồi trò chuyện với chúng tôi, nhưng cả buổi Nguyễn Trính chẳng nói gì nhiều mà chỉ cười mủm mỉm. Thế nhưng, đằng sau nụ cười có vẻ bí hiểm đó, lại là cả một bảng thành tích đồ sộ về mặt kinh doanh.
Cùng một lúc làm chủ 2 doanh nghiệp lớn là HTX dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng và Cty sửa chữa tầu thuyền Tân Bền, số lao động địa phương thu hút được lúc nào cũng trên 100 người, thu nhập bình quân từ 180-200 triệu đồng/người/năm. Tổng thu nhập của năm đạt 25 tỷ đồng, đóng góp thuế cho nhà nước là 480 triệu đồng/năm.
Năm 2019, mặc dù bị đại dịch covid-19 tràn qua, để lại không ít hậu quả, nhưng Xưởng đóng tầu Tân Bền của ông cũng đã kịp có doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng. Chưa hết, tại đây cũng thu hút tới gần 100 công nhân, thợ đóng tầu lành nghề của địa phương, tạo thu nhập trung bình mỗi người cũng gần chục triệu đồng mỗi tháng.
Nguyễn Trính nhẩm tính cho chúng tôi, vào tháng cao điểm, mỗi tháng xưởng đóng tầu của ông ở xã Long Hải cũng có tới hơn 100 thợ thuyền, liên tục sửa chữa, đóng mới các thể loại tầu thuyền cho bà con ngư dân trong vùng và thậm chí trên cả nước, cũng có khách hàng tìm đến nhờ vào tay nghề của thợ Tân Bền.
Vĩ Thanh
Ở cửa biển Long Hải, Vũng Tàu, có một loạt hàng quán lô nhô, nhìn ra cái cảng cá đầy sôi động. Bỗng nhiên có ai đó cất tiếng hát, một câu hát quen thuộc: "Cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ, cây lúa trổ chờ nước đổ trên nguồn…."
Dường như mỗi tiếng sóng ì oạp dội về từ cửa biển Long Hải mang đầy những rạo rực tươi mới của người nông dân, người ngư dân nơi đây.
"Trong đấu tranh người miền Đông anh dũng. Trong lao động người lại cũng anh hùng….",
Trích lời bài hát: Tình đất đỏ miên Đông
"Trong đấu tranh người miền Đông anh dũng. Trong lao động người lại cũng anh hùng….", Nghe câu hát này, Nguyễn Trính lại chỉ mủm mỉm cười, cái nụ cười của miền đất đỏ miền Đông, của một ngư phủ ồn ào mà dịu êm, như chiếc bánh lái quen thuộc mà ông vẫn đứng, nhìn ra tận phía chân trời xa xa, nơi bóng mặt trời của một ngày mới đang dần hiện lên, như trái tim rực lửa yêu Quê hương của ông, một Trái tim Đan Kô
(Long Hải, Phước Tỉnh, 8/2020)
Đăng nhận xét