ĐHQG Hà Nội nói gì về "siêu dự án" ở Hòa Lạc "đắp chiếu" hơn 10 năm, nghìn người dân quá khổ? (Bài 3)

Sau loạt bài "Siêu d án" Đại học quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc "đắp chiếu" hơn 10 năm: Hàng nghìn người dân quá khổ (Bài 1) " data-rel="follow">"Siêu d án" Đại học quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc "đắp chiếu" hơn 10 năm: Hàng nghìn người dân quá khổ (Bài 1) và "Siêu d án" Đại học quốc gia Hà Nội "đắp chiếu": Vướng mắc đất tái định cư, người dân chưa biết ngày "an cư"(Bài 2)" data-rel="follow">"Siêu d án" Đại học quốc gia Hà Nội "đắp chiếu": Vướng mắc đất tái định cư, người dân chưa biết ngày "an cư"(Bài 2) đăng tải, PV Dân Việt đã có cuộc làm việc với đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) để làm rõ những vấn đề liên quan.

CLIP: Người dân sống trong khu Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc: "Chúng tôi quá khổ!"

Cố gắng hoàn thiện đưa 500 hộ dân vào khu tái định cư trong giai đoạn 2020-2021

Qua trao đổi, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn giới thiệu phóng viên liên hệ với Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội để làm việc.

Tiếp PV Dân Việt tại trụ sở làm việc, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội, cho biết: Về phân cấp ĐHQG Hà Nội giao cho BQL ở Hòa Lạc làm Chủ đầu tư (CĐT) dự án trực tiếp phối hợp với các đơn vị có liên quan tại địa phương để triển khai các công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư. Về công tác tái định cư, UBND huyện Thạch Thất là chủ đầu tư.

"Đây là hai đầu mối về pháp lý đứng ra để triển khai các công tác thực hiện dự án. Trực tiếp ĐHQG Hà Nội đã giao cho hai đơn vị này, trong quá trình thực hiện phải có Hội đồng giải phóng mặt bằng, có Trung tâm phát triển quỹ đất,... Liên quan đến thông tin vướng mắc của những hộ dân nào, hộ dân có đủ tiêu chuẩn tái định cư hay không, đền bù bao nhiêu... thì thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư", ông Huy thông tin.

ĐHQG Hà Nội lên tiếng về "Siêu dự án" ở Hòa Lạc "đắp chiếu" hơn 10 năm, hàng nghìn người dân quá khổ (Bài 3) - Ảnh 2.

Một góc ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc nhìn từ trên cao. (ảnh: Trần Kháng).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội, cho hay: Dự án Đại học quốc gia Hà Nội trước đây do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, đến năm 2018 bắt đầu chuyển về ĐHQG Hà Nội.

Trong 2 năm qua do gặp khó khăn trong việc thiếu vốn nên không triển khai dự án được nhiều. Vừa rồi, khi Đại học quốc gia Hà Nội làm chủ đầu tư đã đề xuất vấn đề về vốn và được Chính phủ đồng ý cấp 500 tỷ. Căn cứ vào nguồn vốn của Chính phủ cấp Đại học quốc gia Hà Nội bắt đầu triển khai cho công tác tái định cư và giải phóng mặt bằng.

"Vừa rồi khi chuyển về ĐHQG Hà Nội rất tích cực tìm kiếm nguồn vốn để triển khai dự án và có những khởi sắc nhất định, hy vọng năm 2025 có những thay đổi" – ông Nguyễn Quang Huy – Trưởng Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội.

"Trước đây, thời ở Bộ Xây dựng đã giải ngân hơn 100 tỷ nhưng hết vốn bỏ lại dở dang, đường xá, điện, nước chưa có. Tiền chưa có nên dự án phải tạm dừng. 

Đến tháng 12/2018 khi tiếp nhận làm chủ đầu tư, Đại học quốc gia Hà Nội tích cực xin Chính phủ nguồn vốn, tháng 7/2020 khi nhận được 500 tỷ đồng chúng tôi bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng và công tác tái định cư cho nhân dân. Đồng thời cũng ép tiến độ đối với chủ đầu tư là UBND huyện Thạch Thất để triển khai nhanh việc này",  ông Anh Tuấn nói.

Theo Phó Trưởng Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội, thời gian này Trường sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề người dân thắc mắc như đường vào khu tái định cư, điện, nước… được hoàn chỉnh, di chuyển được người dân ra khu tái định cư sinh sống ổn định và phát triển, đồng thời để việc xây dựng dự án được tốt hơn. "Tất cả đều do khó khăn về vốn. Hiện vốn về được như thế nào thì chúng tôi cố gắng đáp ứng giải ngân được đến đấy", ông Tuấn Anh khẳng định.

ĐHQG Hà Nội lên tiếng về "Siêu dự án" ở Hòa Lạc "đắp chiếu" hơn 10 năm, hàng nghìn người dân quá khổ (Bài 3) - Ảnh 4.

Gia đình anh Cấn Văn Tân - thôn 5, xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) phải sinh sống tạm bợ trong ngôi nhà của mình nằm trong đất Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. (Ảnh: Thành An)

Nhấn mạnh với PV Dân Việt, đại diện Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội cho hay, trong 500 tỷ mới được cấp, ĐHQG Hà Nội sẽ dành 245 tỷ để giải phóng mặt bằng và tái định cư. Theo đó, ĐHQG Hà Nội chọn UBND huyện Thạch Thất là đơn vị quản lý tại địa phương làm chủ đầu tư toàn bộ Dự án GPMB và tái định cư. Theo luật UBND huyện Thạch Thất sẽ thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư để xem xét giải quyết các chế độ chính sách…

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, với số tiền 500 tỷ mới được cấp cũng không giải quyết triệt để được việc tái định cư cho người dân. Theo kế hoạch, tổng tiền dành cho công tác tái định cư lên đến 1.600 tỷ đồng. 

"Trước mắt chúng tôi cố gắng hoàn thiện một phân khu tái định cư phía Bắc để đưa được 500 hộ dân vào ở trong giai đoạn 2020-2021. Đây cũng là một bài toán rất khó", đại diện Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội nói.

Đến năm 2025 đưa 15.000 sinh viên vào học tập

Trước những thực trạng và khó khăn của dự án, đại diện Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội thừa nhận việc người dân sau khi được bồi thường, hỗ trợ từ hơn 15 năm trước vẫn còn sinh sống và khai thác trên những phần diện tích đất thuộc Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc chưa khai thác đến là "không vi phạm". Nguyên nhân của việc này một phần do công tác tái định cư chưa hoàn thiện nên "phải chấp nhận".

ĐHQG Hà Nội lên tiếng về "Siêu dự án" ở Hòa Lạc "đắp chiếu" hơn 10 năm, hàng nghìn người dân quá khổ (Bài 3) - Ảnh 6.

Cảnh hoang vu, rậm rạp trong Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

ĐHQG Hà Nội lên tiếng về "Siêu dự án" ở Hòa Lạc "đắp chiếu" hơn 10 năm, hàng nghìn người dân quá khổ (Bài 3) - Ảnh 7.

Cảnh hoang vu, rậm rạp trong ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc.

Thông tin về việc khu đất tái định cư của người dân tiếp giáp trường bắn quân sự không đảm bảo an toàn cho người dân khi được cấp và giao đất… Trưởng Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội Nguyễn Quang Huy khẳng định: "Khó khăn nhất tại khu tái định cư là đường vào. 

Chúng tôi đã làm việc với đơn vị Bộ Quốc phòng và khẳng định trường bắn này (trường bắn tiếp giáp với khu tái định cư – PV) đảm bảo được đầy đủ các quy chuẩn của Bộ Quốc phòng nên người dân yên tâm về vấn đề này. Còn về việc đơn vị quân đội chăn nuôi xả thải ra môi trường ảnh hưởng đến khu đất tái định cư chúng tôi đã làm việc, đơn vị này đã dừng chăn nuôi lợn, môi trường hiện nay đều được khắc phục, đảm bảo".

"Trong 2 năm qua do gặp khó khăn trong việc thiếu vốn nên không triển khai dự án được nhiều. Vừa rồi, khi ĐHQG làm CĐT cũng đã đề xuất vấn đề về vốn và được Chính phủ đồng ý cấp 500 tỷ. Căn cứ vào nguồn vốn của Chính phủ cấp ĐHQG Hà Nội bắt đầu triển khai cho công tác tái định cư và GPMB" - ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội nói.

Thông tin về tổng quan Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc, lãnh đạo Ban Xây dựng cho hay: Về tổng mức đầu tư của dự án, năm 2013 hạch toán là 25.000 tỷ đồng, tuy nhiên vốn lũy kế đến thời điểm này cộng cả 500 tỷ vừa rồi mới được khoảng 2.000 tỉ đồng, đáp ứng chưa tới 10% kế hoạch vốn để triển khai.

 "Với số vốn như vậy, ĐHQG Hà Nội cũng ưu tiên đầu tư những dự án cấp bách như hạ tầng phía Nam, đầu tư được một số tòa nhà như cơ sở đào tạo giáo dục quốc phòng an ninh; một nhà công vụ. Hiện đang tập trung triển khai khu Zone 4 với quy mô 4.000 sinh viên phục vụ hoạt động một phần của ĐH Khoa học Tự nhiên.

Theo Trưởng Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội, do không đủ vốn để hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các cụm công trình phụ trợ dẫn đến các công trình đã hoàn thành không khai thác được tối đa hiệu quả, lãng phí trong công tác đầu tư, đồng thời gây khó khăn cho việc kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức xã hội hóa.

Sắp tới, dự án trông chờ vào việc vay vốn ngân hàng khi Chính phủ phê duyệt chủ trương vay 120 triệu USD của ngân hàng thế giới (World Bank) để tập trung xây dựng một số dự án cấp bách như: Trung tâm thư viện, nhà điều hành, đào tạo công nghệ, tổng hợp nghiên cứu liên ngành… với tiến độ cố gắng đến năm 2025 đưa được 15.000 sinh viên lên ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc học tập để giảm tải cho các cơ sở ở nội đô.

Để rõ hơn về công tác GPMB và tái định cư tại Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, trong đó có việc liên quan trực tiếp đến hàng trăm hộ dân tại địa phương đang "sống khổ sở" trong dự án, PV Báo Dân Việt đã liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội. Với lý do bận việc gia đình, ông Hồng hẹn PV trao đổi sau.

Kiến nghị, đề xuất UBND TP.Hà Nội làm CĐT dự án tái định cư

Tại Đại hội đại biểu lần thứ VI, Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020-2025, trình bày tham luận, ông Nguyễn Quang Huy – Trưởng Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội nêu rõ: Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, không di chuyển được hộ dân ra khỏi quy hoạch dự án do Dự án Tái định cư chưa hoàn thiện. Thực tế rất nhiều các công trình thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật (đường, trạm điện, cấp thoát nước,…) đều dở dang do không có mặt bằng sạch để thi công, không thể nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Cùng đó, chế độ chính sách cho người dân có đất bị thu hồi thay đổi liên tục, hồ sơ quản lý đất đai không đầy đủ theo quy định. Việc triển khai thu hồi các khu đất thuộc của Bộ Quốc phòng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả cho các đơn vị quân đội và chồng lấn ranh giới của các dự án được giao trong khu vực…

Trước những vấn đề trên, ĐHQG Hà Nội kiến nghị, đề xuất UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan có liên quan tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; sớm triển khai thi công các hạng mục hạ tầng dùng chung của toàn khu đô thị Hòa Lạc có kết nối với khu ĐHQG Hà Nội; hỗ trợ nguồn vốn để triển khai dự án khu KTX sinh viên của ĐHQG Hà Nội như một số dự án nhà ở sinh viên đã được đầu tư xây dựng và khai thác trên địa bàn Hà Nội.

UBND TP.Hà Nội là cơ quan quyết định đầu tư dự án khu tái định cư QGHN01 thuộc dự án ĐTXD Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc và chủ động bố trí kinh phí để triển khai thực hiện (hiện nay UBND huyện Thạch Thất đang là chủ đầu tư dự án). Ngoài ra cho ĐHQG Hà Nội vay vốn ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách, thiết yếu dùng chung và dùng ngân sách Trung ương để hoàn trả phần thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương…

ĐHQG Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi nhằm tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng dự án theo hình thức xã hội hóa; Ưu tiên bố trí vốn trung hạn 2021-2025 để ĐHQG Hà Nội hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, dự án tái định cư phân khu phía Bắc và các công trình cấp bách, thiết yếu đáp ứng nhu cầu khai thác cơ sở vật chất giai đoạn 1 của Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Let's block ads! (Why?)