Như Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cùng 9 bị can về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Chi 15% cho giám đốc CDC Hà Nội?
Kết luận điều tra nêu, việc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 gấp nhiều lần là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ CDC Hà Nội và nhiều doanh nghiệp (DN) khác nhau.
Cụ thể, tháng 2/2020, ông Nguyễn Nhật Cảm gọi điện cho bà Hiền (CDC Quảng Ninh) tham khảo hệ thống Realtime PCR tự động do CDC Quảng Ninh đã mua, đưa vào sử dụng để CDC Hà Nội lập dự toán mua hệ thống máy này và được bà Hiền giới thiệu Nguyễn Văn Chiến - nhân viên kinh doanh Công ty Getz tư vấn.
Qua trao đổi với ông Cảm, biết CDC Hà Nội đang có nhu cầu mua máy xét nghiệm, Chiến đã gọi Nguyễn Ngọc Nhất - nhân viên Công ty Vitech, cổ đông Công ty Suran kết nối với Nguyễn Thanh Tuyền - Trưởng nhóm kinh doanh Công ty TNHH Y tế Phương Đông (Công ty Phương Đông) để xin báo giá hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen Đức - do Công ty Phương Đông nhập khẩu, phân phối và được Tuyền cho biết "mức giá là 7 tỷ đồng".
Sau đó, Chiến và Nhất đến gặp Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội để giới thiệu, tư vấn về hệ thống Realtime PCR của hãng Vela với giá 6,5 tỷ đồng và hệ thống Realtime của hãng Qiagen (Đức) với giá 7 tỷ đồng. Ông Cảm quyết định lựa chọn mua hệ thống Realtime PCR của hãng Vela.
Ngày 5/2/2020, Sở Y tế Hà Nội không duyệt cho CDC Hà Nội mua hệ thống Realtime PCR của hãng Vela vì không đồng bộ, yêu cầu CDC Hà Nội chọn mua của hãng Qiagen. Lúc này, Tuyền cũng trực tiếp liên hệ với Nguyễn Nhật Cảm và được yêu cầu gửi báo giá. Sau đó, Tuyền liên hệ với Nguyễn Ngọc Quỳnh – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội và yêu cầu Trần Quốc Đạt - nhân viên Công ty Phương Đông "chế" 3 báo giá của 3 công ty khác nhau để gửi sang CDC Hà Nội, trong đó mức giá 7 tỷ đồng của Công ty Phương Đông là thấp nhất so với 2 đơn vị còn lại.
Ngày 6/2/2020, Nhất và Tuyền gặp nhau tại một quán cà phê ở phố Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội) thống nhất: Giao cho Nhất đứng ra thực hiện các thủ tục mua Hệ thống Realtime PCR tự động của Công ty Phương Đông với mức giá mua khoảng 4 tỷ đồng để bán cho CDC Hà Nội. Đồng thời, Tuyền và Nhất bàn bạc sau khi thương vụ hoàn thành sẽ chi cho ông Nguyễn Nhật Cảm 10%, phần chênh còn lại thì hai người này chia đôi.
Nhất và Tuyền sau đó đã đến phòng làm việc của ông Nguyễn Nhật Cảm để đàm phán, ông Cảm đồng ý mua hệ thống Realtime PCR với giá 7 tỷ đồng, thời hạn bảo hành 3 năm. Tại đây, Tuyền cũng đề xuất Công ty Phương Đông sẽ không tham gia đấu thầu trực tiếp mà giao cho Nhất tìm nhà thầu đủ năng lực để thực hiện gói thầu và được ông Cảm đồng ý.
Sau khi bàn bạc, Tuyền đi ra ngoài, còn Nhất ở lại thống nhất với ông Cảm về việc sau khi mua bán hoàn tất sẽ chi cho ông Cảm 15% (trước VAT) giá trị của hệ thống máy. Sau đó, việc bán thiết bị cho CDC Hà Nội đã được Nhất chỉ định sang cho Công ty MST của Đào Thế Vinh.
Mua bán lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp
Kết luận điều tra xác định, để nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, các đối tượng đã mua bán lòng vòng máy Realtime PCR từ Công ty Phương Đông qua một số công ty khác, đến CDC Hà Nội giá máy đã được đẩy từ 2,3 tỷ đồng thành 7 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 4/2/2020, Công ty Phương Đông mở tờ khai nhập khẩu 3 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Giá 1 máy xét nghiệm sau khi tính thuế nhập khẩu là hơn 2,3 tỷ đồng. Ngày 17/2/2020, Công ty Phương Đông bán 1 máy PCR cho Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Hưng Long (Công ty Hưng Long) với giá 3,7 tỷ đồng.
Sau đó, Công ty Hưng Long tiếp tục bán máy này cho Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu KĐ (Công ty KĐ) với giá hơn 4,6 tỷ đồng. Hệ thống máy PCR tiếp tục được Công ty KĐ bán cho Công ty MST của Đào Thế Vinh với giá hơn 6,3 tỷ đồng.
Đến ngày 3/3/2020, Đào Thế Vinh đại diện Công ty MST ký hợp đồng với ông Nguyễn Nhật Cảm bán một số trang thiết bị có tổng trị giá hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó 1 hệ thống máy PCR có giá 7 tỷ đồng. Một tháng sau, CDC Hà Nội đã thanh toán đủ tiền cho Công ty MST.
Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản, tổng trị giá gói thầu trang thiết bị mà Công ty MST đã cung cấp cho CDC chỉ đáng giá hơn 4,1 tỷ đồng, trong đó máy xét nghiệm PCR trị giá hơn 3,1 tỷ đồng. Như vậy, các đối tượng đã hưởng chênh lệch 5,4 tỷ đồng.
Theo xác minh của cơ quan điều tra, mặc dù việc mua bán thiết bị y tế diễn ra giữa nhiều DN nhưng thực chất chỉ có Công ty MST của Đào Thế Vinh là mua thiết bị từ Công ty Phương Đông với giá 4,1 tỷ đồng rồi bán cho CDC Hà Nội, không có việc mua bán với các công ty còn lại. Việc các bị can mua bán lòng vòng với nhau nhằm mục đích giảm biên độ chênh lệch mua vào bán ra.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra còn xác định vai trò của Công ty CP thẩm định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành khi lập khống chứng thư thẩm định giá mà không dựa vào khảo sát thực tế. Ngoài ra 2 DN báo giá không có thật, trong đó 1 được xác định là DN "ma".
Cũng theo kết luận điều tra, việc các doanh nghiệp mua bán lòng vòng, nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 nêu trên đã được lãnh đạo CDC "bật đèn xanh" để được hoa hồng. Cụ thể, khi biết CDC Hà Nội có nhu cầu mua sắm thiết bị, thông qua mối quan hệ cá nhân, Nguyễn Thanh Tuyền - nhân viên Công ty Phương Đông đã trao đổi với ông Nguyễn Nhật Cảm.
Trong vụ án này có 2 lời khai chi "phần trăm" nhưng do ông Nguyễn Nhật Cảm không thừa nhận việc Nhất trao đổi trích lại cho CDC Hà Nội 15% giá trị gói thầu. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh ông Cảm có tư lợi.
Ngoài vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ có hay không sai phạm trong việc mua sắm 18 gói thầu trang thiết bị, vật tư, in ấn tài liệu phòng, chống dịch bệnh trị giá khoảng 83 tỷ đồng tại CDC Hà Nội.
Đăng nhận xét