Các chuyên gia mà Sputnik phỏng vấn đều cho rằng cuộc gặp này mang lại hy vọng nhanh chóng thực thi "đồng thuận 5 điểm" trong thời gian sớm nhất.
Sự đồng thuận gồm 5 điểm về giảm leo thang trên biên giới đã do các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ hoạch định tại cuộc gặp song phương ở Matxcơva hôm 10/9, bên lề cuộc họp cấp Bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO. Trong những điểm này có mục tiếp tục đối thoại, tuyên bố về sự cần thiết rút quân và giảm căng thẳng, tuân thủ tất cả các thoả thuận hiện có hiệu lực về quy chế biên giới.
Cuộc đàm phán hôm thứ Hai đã diễn ra tại trạm Moldo về phía Trung Quốc trên tuyến Ranh giới thực tế. Thương lượng kéo dài 12 giờ.
Tháng trước tại Chushul, cách không xa điểm gặp, đã nổ ra những cuộc đụng độ giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ. Cuộc gặp hiện tại tổ chức với thành phần mở rộng. Như tin đưa của India Today, Thư ký của Ngoại trưởng Ấn Độ Naveen Srivastava đã bay từ New Delhi tới hội đàm. Trong 5 vòng đàm phán trước, chỉ toàn các nhà quân sự tham gia, là các vị Tư lệnh chỉ huy quân đoàn đóng ở Ladakh.
Đến tham dự đàm phán còn có Trung tướng Menon, người vào tháng 10 sẽ thay thế Tư lệnh quân đoàn 14 là Trung tướng Harinder Singh, nhân vật thường xuyên tham gia các cuộc gặp Trung-Ấn về phân chia lực lượng trên tuyến Ranh giới thực tế. Quân đoàn do ông chỉ huy đóng tại Leh, thành phố lớn nhất của Ladakh. Tướng Menon giữ chức vụ cao tại cơ quan đầu não của quân đội Ấn Độ và là thuộc cấp trực tiếp của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Manoj Mukund Naravane.
Tướng Menon là nhân vật được các nhà quân sự Trung Quốc biết đến nhiều. Tháng 11/2018, ông đã tiến hành cuộc đàm phán cấp tướng đầu tiên với Trung Quốc sau hai tháng tranh chấp năm trước ở Doklam gần Sikkim.
Ngay trước cuộc gặp ở Moldova, bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nhắc rằng những vòng đàm phán trước đã không thể xoa dịu căng thẳng trên biên giới. Đồng thời, báo này đánh giá tuyên bố chung 5 điểm của các Ngoại trưởng Trung-Ấn tại cuộc gặp ở Matxcơva như là bước tiến quan trọng nhằm cải thiện tình hình vùng biên. Thời báo Hoàn cầu dẫn ý kiến của chuyên gia Tiền Phong (Qian Feng) Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia trực thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Ông này cho rằng Nga là nước đang duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giảm leo thang, đề xuất nền tảng dành cho hai nước. Là trung gian hòa giải, Nga hiểu rõ tính chất nhạy cảm của vấn đề đối với mỗi bên và thận trọng lên tiếng tại các diễn đàn đa phương về xung đột Trung-Ấn, - chuyên gia Trung Quốc lưu ý.
Nêu ý kiến trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Nga Boris Volkhonsky từ Viện Các nước Á-Phi trực thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva cho rằng cuộc gặp của các Ngoại trưởng ở Matxcơva đóng vai trò khá tích cực trong việc giải quyết vấn đề biên giới:
"Đương nhiên, các cuộc gặp hậu trường là yếu tố rất quan trọng. Trong nền chính trị thế giới, những cuộc gặp bên lề như vậy tại các sàn giao lưu đa phương, thậm chí đóng vai trò lớn hơn cả bản thân các diễn đàn này. Do đó, SCO với tư cách là một nền tảng dành cho các cuộc gặp và đối thoại quả thực có tầm quan trọng to lớn để thúc đẩy đối thoại giữa Trung Quốc và Ấn Độ về biên giới".
Trong thời gian gần tới, các nhà quân sự cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải quyết định, làm thế nào để biến đồng thuận chính trị về giảm leo thang thành hành động cụ thể trên tuyến phân giới trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt của dãy núi Himalaya. Cả hai bên đều nhấn mạnh sự chuẩn bị của họ cho giai đoạn mùa đông. Cụ thể, phía Trung Quốc thông báo rằng binh lính Trung Quốc đã được cung cấp những bộ quân trang thiết bị "công nghệ cao" để hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp nhất.
Theo tin đưa của các phương tiện truyền thông Ấn Độ, chính quyền đang gấp rút cung cấp nhiên liệu, dầu xoa, lương thực-thực phẩm, quân phục ấm cho binh sĩ của mình. Đáng chú ý còn là hạn chế khả năng lưu thông đường bộ với nhiều địa phương của Ladakh do tuyết rơi dày trong khu vực này. Đường hầm mới Atal Rohtang Tunnel dài 9 km, dự kiến khánh thành vào tháng 10 với hiện diện tham dự của Thủ tướng Narendra Modi, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Leh và Manali, một thành phố phía nam Ladakh.
Chuyên gia Boris Volkhonsky chia sẻ với Sputnik dự đoán của ông về khả năng diễn biến tình hình trong khu vực xung đột:
"Vào mùa đông, thông thường, quân đội không tiến hành hoạt động tích cực trên núi, do đó chắc là tình hình sẽ lắng dịu. Tuy nhiên như vậy không loại trừ việc mở mang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở hai bên tuyến phân chia. Bởi vấn đề chưa được giải quyết nên vẫn bảo lưu khả năng xung đột. Dù vậy cũng vẫn có hy vọng về giải pháp cho vấn đề theo chiều hướng xây dựng, vì ban lãnh đạo cao nhất của cả hai nước đều hoàn toàn không mong muốn leo thang căng thẳng".
Hàng loạt quan sát viên không loại trừ rằng trong tương lai gần Trung-Ấn có thể sớm tái huy động cơ chế đàm phán biên giới đã tồn tại nhiều năm ở cấp lãnh đạo quân sự và ngoại giao. Rõ ràng, đây sẽ là tín hiệu mới cho thấy cả hai bên, dù tập trung cao độ lực lượng và trang thiết bị trong khu vực xung đột, thực ra vẫn muốn rút quân và hướng tới giải pháp ngoại giao để tháo gỡ tranh chấp.
Đăng nhận xét