(Dân Việt) Từ lâu anh Long Văn Nghĩa (phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) nổi tiếng khắp nơi với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao trong hồ nổi doanh thu hàng tỷ đồng. Đến nay, qua quá trình sản xuất, anh Nghĩa tiếp tục cải tiến quy trình, mang lại hiệu quả khác biệt khi vừa giúp con tôm có tỷ lệ sống cao, vừa tiết kiệm chi phí.
Vượt qua chính mình
Mong muốn tìm ra cách nuôi tôm mới, giúp nông dân giảm bớt chi phí, sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, hướng đến sản xuất bền vững, là điều anh Nghĩa (phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) luôn trăn trở.
Clip nuôi tôm hồ nổi với quy trình ưu việt, thu tiền tỷ mỗi năm.
Xuất phát từ đó, anh đã mài mò nghiên cứu và áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao 2 giai đoạn trong hồ nổi (làm bằng khung sắt tròn, phủ bạt), áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Đây được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt nhất hiện nay.
Sau nhiều lần tham quan, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đầu năm 2017, anh Nghĩa đã gom hết vốn liếng và vay thêm tiền để đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc trong hồ nổi. Hồ nuôi được thiết kết đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng.
Mô hình anh Nghĩa đang áp dụng được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt nhất hiện nay. Ảnh: Chúc Ly.
Trong vụ nuôi đầu tiên, anh áp dụng mật độ thả nuôi 300 con/m2 và chỉ sau hơn 2 tháng, tôm trong hồ nổi đã đạt trong lượng trung bình 40 con/kg. Thu hoạch tôm ở 2 hồ nuôi đầu tiên, anh Nghĩa thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, anh Nghĩa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ lót bạt HDPE áp dụng công nghệ biofloc 3 giai đoạn. Thời gian thực hiện mô hình bắt đầu từ tháng 1/2018.
Hiện anh Nghĩa đang áp dụng mô hình nuôi tôm trong hồ nổi trên tổng diện tích 16ha, chia làm 3 khu. Ảnh: Chúc Ly.
Mô hình được nhiều chuyên gia và nông dân đánh giá cao, với nhiều ưu điểm vượt trội so với các quy trình nuôi khác. Trước tiên, mô hình có kết cấu hồ đơn giản, dễ vận hành, quy trình nuôi ít thay nước và tái sử dụng nước 100%.
Theo anh Nghĩa, mô hình này vẫn tiến tới mục tiêu cốt lõi là tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường. Trong đó, cụ thể là hạn chế bệnh chết sớm (EMS) 90%; tỷ lệ sống của tôm trên 90%; sản lượng tôm đạt từ 100-150 tấn/ha/năm; tái sử dụng nước nuôi cũ 100%; sản phẩm đạt 100% về yêu cầu chất lượng xuất khẩu; có thể nhân rộng cho các hộ nuôi tôm quy mô vừa và nhỏ; hoàn thiện quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hồ lót bạt áp dụng công nghệ biofloc.
“Điều đặc biệt của việc nuôi tôm trong bể nổi là vách bể thẳng đứng nên hạn chế chất bẩn và rong rêu bám xung quanh thành bể, nhờ đó giảm được công đoạn vệ sinh bể, hạn chế bệnh đường ruột do tôm ăn chất bẩn này. Ngoài ra, chính nhờ kết cấu bể dạng nổi nên loại bỏ được có hiện tượng thẩm thấu ngược từ ngoài vào trong, hạn chế dịch bệnh lây nhiễm từ môi trường bên ngoài” - anh Nghĩa tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Anh Nghĩa luôn tìm tòi, nghiên cứu ra mô hình nuôi tôm tiên tiến thân thiện với môi trường. Ảnh: Chúc Ly.
Theo đó, quá trình nuôi chia ra 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ tôm post 12, ương mật độ 3.000 - 5.000con/m3 trong hồ 100m3 (từ 1 đến 15 ngày); giai đoạn 2: Nuôi 400con/m3 trong hồ 500m3 (từ 16 đến 60 ngày); giai đoạn 3: Sang thưa từ 400con/m3 ra thành 200con/m3 (từ 61 đến 100 hoặc 120 ngày).
Thành công nhờ tính bền vững
Anh Nghĩa cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết, nước thải trong mô hình sau khi xử lý được bơm lên hồ tách chất thải rắn, phần vỏ tôm, xác tôm chết, thức ăn thừa được lọc qua túi lưới và được sử dụng cho chăn nuôi; phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo được tách hết nước mặn, sau đó dùng nước ngọt pha loãng, có thể sử dụng cho các mục đích bón cho cây trồng và làm Biogas….Qua 2 công đoạn này, nước thải được sử dụng lại cho nhiều mục đích khác nhau, hoàn toàn không thải ra môi trường xung quanh.
Việc kiểm tra con tôm trong mô hình này rất dễ dàng, không cần chày hey kéo lưới, chỉ cần dùng vợt xúc tôm. Ảnh: Chúc Ly.
Nhiều chuyên gia nhận định quy trình nuôi tôm này cơ bản đã cho ra loại hình sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình ở từng quy mô khác nhau. Nhờ đó, đây là cơ hội để những hộ sản xuất nhỏ có thể trực tiếp tham gia sản xuất, mang lại thu nhập ổn đinh cho gia đình. Ngoài ra, kết quả sẽ là định hướng cho các công trình nghiên cứu phương pháp xử lý chất thải của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong thời gian tới, giúp người nuôi tôm giải quyết vấn đề khó khăn về môi trường hiện nay.
Hiện anh Nghĩa đang áp dụng mô hình sản xuất trên tổng diện tích 16ha, chia làm 3 khu. Trong đó có 16 ao nuôi và các công trình phụ trợ. Anh Nghĩa cho rằng: “So với việc nuôi 2 giai đoạn, tôm nuôi 3 giai đoạn theo mô hình sẽ làm giảm được chi phí sản xuất, công lao động rất nhiều. Đặc biệt, áp dụng nuôi 3 giai đoạn sẽ giúp hạn chế rủi ro. Tại mô hình tôi đang áp dụng tôm có tỷ lệ sống trên 85%, năng suất từ 150-200 tấn/ha/năm. Bên cạnh đó, con tôm nuôi sử dụng vi sinh, từ đó giá bán cao hơn thị trường khoảng 5.000 đồng/kg; một năm có thể áp dụng nuôi từ 3-4 vụ”.
Giá bán của tôm nuôi trong mô hình luôn cao hơn thị trường khoảng 5.000 đồng/kg và đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường Châu Âu. Ảnh: Chúc Ly.
Nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm tiên tiến, năm 2018 mô hình của anh Nghĩa cho năng suất khoảng 160 tấn, doanh thu 20 tỷ đồng; tuy giá tôm hơi thấp nhưng anh có lợi nhuận khoảng 10% (thông thường khoảng 30%). Theo anh Nghĩa nếu tôm phát triển đúng quy trình, bán với giá khoảng 140.000 đồng/kg, thì có thể thu về lợi nhuận từ 20-30 ngàn đồng/kg.
Để nhân rông qui trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ lót bạt HDPE áp dụng công nghệ biofloc 3 giai đoạn, anh Nghĩa bày tỏ mong muốn cùng với cơ quan chức năng tại địa phương tích cực tuyên truyền, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật sâu rộng đến với bà con nông dân. Từ đó, hướng đến mục tiêu đồng hành công nông dân từng bước đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Với anh Nghĩa, sự thành bại của mô hình nuôi tôm tùy thuộc rất lớn vào tính bền vững. Ảnh: Chúc Ly.
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ biofloc trong hồ nổi tròn có nhiều ưu điểm vượt trội, vì có khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình quản lý nhằm hiện đại hóa nghề nuôi tôm. Thành công của mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm nước lợ, giúp nông dân sản xuất ngày càng bền vững hơn.
Nhờ thành tích sáng tạo trong lao động sản xuất, mạnh dạn áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, anh Long Văn Nghĩa vinh dự nhận được nhiều hình thức khen thưởng của Trung ương và địa phương. Vừa qua, Hội đồng chung khảo đã bình chọn anh Long Văn Nghĩa là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.
Đăng nhận xét