(Dân Việt) Đặc sản canh bon bạc nhạc bò của dân tộc Mường vùng lòng hồ sông Đà, ở bản Heo (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) khiến bất kỳ thực khách nào đam mê ẩm thực dân tộc, cũng phải chảy nước miếng trước hương vị hấp dẫn, thơm ngon, khó cưỡng của nó.
Cây bon được đồng bào dân tộc Mường, Thái... trồng ở ven ao, suối, nơi có dòng nước chảy quanh năm. Bởi đây là loại cây có đặc tính ưa sống ở môi trường nước.
Hiện tại, người Mường vùng lòng hồ sông Đà trồng cây bon chủ yếu để cung cấp thực phẩm phục vụ gia đình, chứ chưa có định hướng cung ứng sản phẩm ra thị trường tiêu thụ nâng cao nguồn thu nhập.
Đối với đồng bào Mường sinh sống ở lòng hồ sông Đà, canh bon nấu với bạc nhạc bò là món ăn đặc sản không thể thiếu trong đám cưới, ngày lễ Tết và đãi khách quý thăm nhà.
Đồng bào Mường sinh sống ven lòng hồ sông Đà từ bao đời nay gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy. Rất nhiều sản vật nông sản, cỏ cây, hoa lá từ vườn đồi đã được người dân mang về chế biến thành những món ăn đậm đà hương vị của núi rừng Tây Bắc, trong đó có món canh bon nấu với thịt bạc nhạc bò.
Canh bon nấu với bạc nhạc bò là món ăn đặc sản được rất nhiều thực khách ưa thích.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Dân Việt, chị Hà Thị Hoài, bản Heo, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, cho biết: Cây bon có hình dạng giống cây khoai sọ, nhưng có điểm khác biệt ở chỗ loại cây này ưa sinh sống ở môi trường nước, nhựa của cây bon không ngứa như cây khoai sọ. Bon trồng rất dễ, chỉ cần nhổ lấy 1 vài cây về trồng ở các vũng nước nông là cây đã có thể sinh trưởng và phát triển rất tốt. Chúng tôi hầu như không dùng bất cứ thuốc hóa học hay phun thuốc lên cây bon, nên rất bảo đảm yếu tố an toàn thực phẩm.
Vị thơm ngon hấp dẫn của canh bon nấu với bạc nhạc bò, khiến bất kỳ thực khách nào cũng phải chảy nước miếng.
“Tôi thường chặt cây bon về chế biến thành các món ăn phục vụ gia đình, như: Canh bon nấu với bạc nhạc bò, canh bon da bò, bon đồ với thịt trâu... Nói chung cây bon có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau, tùy theo sở thích và cách chế biến của mỗi dân tộc. Nhưng đối với người Mường sông Đà chúng tôi thường hay chế biến nhất là món canh bon nấu với bạc nhạc bò”- chị Hà Thị Hoài chia sẻ thêm.
Để chế biến món canh bon nấu với bạc nhạc bò, người Mường thường dùng các gia vị, như: Cà rừng, ớt, mắc khén, hành củ, bạc nhạc bò, muối, mì chính... Đây là những nguyên liệu không thể thiếu trong cách chế biến món ăn dẫn dã này.
Trước khi chế biến canh bon, người Mường thường chọn những cây bon non rồi tước vỏ trước khi nấu.
Theo kinh nghiệm nấu canh bon của chị Hoài: Món canh bon bạc nhạc bò này rất kỳ công, nhất là lúc nhặt hái, vì cây bon là nguyên liệu chính để nấu canh. Tôi thường chọn cây bon non mang về rửa sạch, tước bỏ vỏ rồi ngâm nước cho hết nhựa (có thể dùng cả rễ non của bon để nấu). Sau đó tôi mang cây bon rửa sạch với nước rồi cho vào nồi gác lên bếp lửa nấu cùng với bạc nhạc bò, đến khi nào cuống bon nhừ thì mới tắt lửa.
Bước tiếp theo dùng các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn trước đó như: Ớt tươi, mắc khén, cà rừng, muối, mì chính, hành củ... cho vào nồi canh rồi nêm sao cho vừa ăn. Chỉ cần làm những thao tác đơn giản như vậy, chúng ta đã có 1 món canh bon bạc nhạc bò thơm ngon và hấp dẫn.
Gia vị nấu canh bon bạc nhạc bò không thể thiếu là hành củ, ớt, mác khén...
Với người Mường ven lòng hồ sông Đà, canh bon bạc nhạc bò là món ăn đặc sản dân dã không thể thiếu trong những bữa cơm của mỗi gia đình. Món canh bon này có thể ăn kèm với cơm nếp. Nhiều thực khách khi được thưởng thức đều trầm trồ khen ngon và dò hỏi cách chế biến.
Cây bon có hình dạng giống như cây khoai sọ, nhưng có điểm khác biệt ở chỗ cây bon ưa sinh sống ở môi trường nước.
“Đây là lần đầu tiên, tôi được ăn món canh bon bạc nhạc bò của người Mường chế biến. Tôi thấy món ăn này rất ngon, khi ăn có vị thơm độc đáo của mắc khén, vị sần sật của bạc nhạc bò tạo cho tôi cảm giác rất là lạ. Tôi rất ấn tượng và thích món ăn dân dã này”- chị Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Tiểu học xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn mới về địa bàn công tác cho biết.
Khi nấu canh bon bạc nhạc bò thì không thế thiếu cà rừng.
Hiện nay canh bón trở thành một món ngon, đã có mặt trong mâm cơm hằng ngày, mâm cơm đón khách của bà con dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Từ món ăn dân dã trong các gia đình, canh bon giờ đã được các nhà hàng chuyên đồ ăn dân tộc ở tỉnh Sơn La chọn làm 1 trong những món canh chủ đạo trong thực đơn để giới thiệu tới du khách gần xa.
Đăng nhận xét