Ôm giấc mơ trở thành “tỷ phú tiền ảo” với lời hứa hẹn lãi suất từ 100-300%/năm, không ít người đã vỡ nợ, phá sản khi các công ty đa cấp đột ngột biến mất với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tiền ảo iFan – vụ đa cấp tiền ảo lớn nhất lịch sử với 15.000 tỷ đồng bốc hơi
Modern Tech đã lôi kéo 32.000 nhà đầu tư rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin với hứa hẹn trả 48% tiền lãi/tháng, trong khi lãi ngân hàng cũng chỉ 5-7%/năm. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống thì sẽ hưởng thêm 8% số tiền của người mới. Lời hứa thì “ngọt” nhưng cái kết lại “đắng” đến không tưởng.
Sau một thời gian ngắn được trả lãi, đồng tiền ảo này đã biến mất vì bị xét vào nhóm tiền không có giá trị giao dịch. 15.000 tỷ đồng của hàng ngàn nhà đầu tư không rút ra được, tiền lãi về 0%.
Đồng tiền ảo này khi công bố được gắn mác là tiền quốc tế được thành lập tại Singapore hay Ấn Độ. Đơn vị vận hành giới thiệu iFan là tiền ảo sử dụng cho các dịch vụ liên quan showbiz. Lớp áo bên ngoài quá hào nhoáng khiến Modern Tech dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo của mình và khiến hàng nghìn người bị phá sản trong nháy mắt.
Vụ lừa đảo tiền ảo lớn nhất lịch sử Việt Nam
Sky Mining – Lời hứa 300% lợi nhuận và chiếm đoạt cả nghìn tỷ
Hơn 5.000 nhà đầu tư đang “ngồi trên đống lửa” khi nghe tin ông chủ của Sky Mining bỏ trốn với số tiền lên tới hàng chục triệu đô. Nghe quảng cáo lợi nhuận 300% chỉ trong 3-4 tháng từ việc ủy thác đầu tư cho Sky Mining đào tiền ảo, nhiều người đã mất trắng từ vài trăm triệu cho đến tiền tỷ.
Theo các chuyên gia công nghệ, mô hình Sky Mining là hình thức núp bóng đầu tư máy đào tiền ảo để che đậy việc huy động vốn lãi suất cao, phát triển theo hình thức chi hoa hồng kim tự tháp.
Tiền ảo AOC biến 1.400 giấc mơ làm giàu thành cảnh tan hoang, nợ nần
Tiền ảo AOC tràn về các vùng quê với lời hứa hẹn sẽ giúp thoát nghèo nhanh chóng, đem lại giàu sang phú quý với lãi suất siêu khủng lên tới 180%/năm, gấp 20 lần lãi ngân hàng. Nhiều người thậm chí bỏ cả kinh doanh, cắm nhà, cắm sổ đỏ đổ tiền vào AOC. Tuy nhiên, danh xưng "tiền ảo" chỉ là bề ngoài của một phương thức lừa đảo đa cấp quen thuộc - lợi nhuận cao, lấy tiền người sau trả cho người trước.
Sau khi bị phanh phui, đường dây lừa đảo tinh vi này đã lộ diện 10 “chân rết” tại 10 tỉnh thành với hơn 140.000 người bị lừa, ước tính số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định tiền ảo không được chấp nhận ở Việt Nam, mọi hoạt động kinh doanh liên quan đến phát hành, giao dịch tiền ảo đều là bất hợp pháp. Ngoài ra, kinh doanh đa cấp trên mạng mà không được cấp phép thì càng trái pháp luật. Lời cảnh báo đã được đưa ra nhưng dường như giấc mơ làm giàu dễ dàng khiến người dân vẫn như “thiêu thân” lao vào các vụ đầu tư tiền ảo đa cấp.
Đăng nhận xét