Lời nhắn gửi thế hệ trẻ của nữ tiến sĩ sản khoa đầu tiên ở Việt Nam

Những thước phim cuộc đời

Phải năm lần bảy lượt ghé qua tư trang của bà, chúng tôi mới có dịp được gặp vị nữ tiến sĩ đầu tiên của ngành sản khoa ở Việt Nam, bởi lẽ, bà vừa đi điều trị bệnh tại viện Tim mạch Quốc gia về. Ở cái tuổi 85 nhưng bà vẫn rất minh mẫn và hiện đại. Người phụ nữ mà tôi nhắc tới đó là PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức (SN 1932) – nguyên Viện trưởng viện Sức khỏe sinh sản và gia đình.

Sinh thời, dưới thời chiến tranh chống Pháp, bố bà là y tá trưởng làm việc tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên. Mẹ bà muốn con gái học ngành nữ hộ sinh. Thế nhưng, cô bé Hoài Đức ngày ấy lại là đứa trẻ nghịch ngợm, ham chơi hơn ham học, thích các hoạt động xã hội.

“Thời gian đi học, không ít lần tôi bị thầy cô bắt phạt vì dọa ma bạn bè. Mẹ tôi vốn là người ưa thích sự chỉn chu, mỗi lần tôi mang cặp sách ra khỏi nhà bà đều dõi theo. Nhưng đi tới đoạn khuất, thấy mẹ không dõi theo được nữa, tôi bỏ dép vào cặp và chạy như đàn ông”, nói tới đây PGS. TS Hoài Đức cười vui và tôi thấy ánh lên trong đôi mắt bà niềm hạnh phúc như một đứa trẻ thơ.

PGS.TS Hoài Đức đang lật giở lại những kỉ niệm.

Nói nghịch ngợm là thế nhưng bà rất tích cực tham gia các phong trào xã hội và phong trào nào cũng là người khởi xướng. Chính vì thế, năm 18 tuổi bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

“Tôi từng chạy về hỏi bố rằng, vì sao bạn bè con, các bạn nữ đều có những cái tên rất đẹp như Tú Anh, Diễm My, Mộng Loan... mà tên con lại là Hoài Đức như tên một đứa con trai. Lúc ấy bố tôi chỉ cười giải thích, tên Hoài Đức là tên đẹp nhất”, cứ thế những kí ức thời thơ ấu như thước phim được chiếu trước mắt chúng tôi qua lời kể của bà.

Và khi có lớp tuyển sinh vào ngành y sĩ ở liên khu IV, bà được mẹ “mời” người tới kèm cặp chuyện học hành để con gái thi vào ngành ấy. Bà thi đỗ và học y sỹ ở Nông Cống, Thanh Hóa. Đây cũng là dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự gắn bó của bà với ngành y. Đó là những năm 50 của thế kỉ XX.

“Tôi còn nhớ như in trong một đêm mưa tầm tã, anh Nguyễn Đăng Đức cầm đèn rọi vào phòng chúng tôi, nơi có các nữ sinh đang nghỉ ngơi, cứ thế gọi to “Hoài Đức ơi” khiến cả phòng sợ không ai dám thưa vì tưởng... ma. Sau cùng, anh ấy bảo: “Đăng Đức đây, Đăng Đức đây, được đi nước ngoài, được đi nước ngoài”.

Và, sau một thời gian học chỉnh huấn chính trị tại khu căn cứ địa Việt Bắc ở tỉnh Tuyên Quang, tôi được cử sang Trung Quốc học và tốt nghiệp đại học Y khoa Bắc Kinh vào năm 1959 chuyên ngành Sản phụ khoa”, PGS. TS Hoài Đức kể.

Đây cũng là năm ghi dấu rất nhiều kỉ niệm với bà khi bà vừa có trong tay sự nghiệp vừa nhận được “lời tỏ tình” dễ thương của chồng là TS. Trần Anh Vinh – cố Viện trưởng viện Khoa học Công nghệ Mỏ.

Ông bà quen nhau do một người bạn giới thiệu, ngày ấy ông là giảng viên trường đại học Bách Khoa. Ngày 20/11/1959, nhân dịp trường Bách Khoa tổ chức dạ hội, ông mời bà tới tham dự và cùng nhảy với ông. Trên nền nhạc Van nhẹ nhàng, tình tứ, ông ghé vào tai bà hỏi: “Cô có lấy tôi không?”. Bà gật đầu đồng ý trong sự ngỡ ngàng của cả hai người. 15 ngày sau, đám cưới giữa chàng trai 33 tuổi và cô gái 27 được tổ chức. Họ gắn bó với nhau gần 60 năm, có với nhau hai người con gái.

Chiếc nhẫn, đồng hồ và vòng chồng tặng năm xưa, lúc nào bà cũng đeo ở tay.

Mỗi lần nhắc tới người chồng quá cố của mình (TS. Trần Anh Vinh mất tháng 8/2016 sau 2 năm 4 tháng điều trị bệnh – PV), đôi mắt bà lại ánh lên niềm hạnh phúc.

Bà không bao giờ quên được hình ảnh thời gian ông bị bệnh, ông vẫn ngồi nhìn bà rất lâu. Lúc ấy, bà thấy ông dễ thương, ông đẹp, đẹp lắm. Tôi thoáng thấy trên tay bà vẫn đeo nhẫn ở ngón áp út. Hỏi ra, bà cười hạnh phúc: “Chiếc nhẫn này, đồng hồ và cả chiếc vòng là ông nhà tôi mua cho tôi lâu rồi. Lúc nào tôi cũng đeo ở tay. Thương và nhớ ông lắm”, đôi mắt bà bỗng chốc đỏ hoe khi nhắc tới người bạn đời của mình, cánh tay run run lật giở từng trang ảnh, nơi lưu giữ những hồi ức của hai vợ chồng.

Năm 1971, Nguyễn Thị Hoài Đức bảo vệ luận án tiến sĩ Y khoa ở Ba Lan. Về nước làm việc một thời gian, bà lại được đi thực tập chuyên sâu vi sinh phẫu thuật ở Vương quốc Anh. Bà đã từng từ chối lời mời ở lại làm việc của bệnh viện Hammer Smith nổi tiếng thế giới ở Vương quốc Anh để về cạnh gia đình, nơi có người chồng rất đỗi yêu thương và hai cô con gái nhỏ.

Vị bác sĩ của nhân dân

Có thể nói cả cuộc đời PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức gắn bó với sức khỏe sinh sản, phục vụ sức khỏe cộng đồng. Bà đã có 24 năm công tác tại bệnh viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là bệnh viện Phụ sản Trung ương).

Những năm 80 của thế kỷ trước, bà được rất nhiều bệnh nhân kính phục, ca ngợi cả về chuyên môn và y đức, là bác sĩ chữa vô sinh nổi tiếng. Thời điểm đó, 4 từ “Bác sĩ Hoài Đức” trở nên rất đỗi thân thiết với hàng chục vạn bệnh nhân trên cả nước, trong đó có cả nam và nữ, khi về bệnh viện Phụ sản Trung ương chữa vô sinh. Nhiều bệnh nhân khi sinh con đặt tên con là Đức để nhớ ơn bà.

Còn với bà, mỗi lần đón một đứa trẻ chào đời, nghe tiếng các bé khóc bà thấy thời khắc ấy thật thiêng liêng, gương mặt các bé lúc ấy đẹp tựa thiên thần và những giọt nước mắt của người bố, người mẹ khiến trái tim bà tràn ngập nhựa sống cùng nhiệt huyết với ngành.

PGS.TS Hoài Đức và chồng trong những ngày cuối đời của ông.

Chia sẻ về kỉ niệm nhớ nhất, bà bảo đó là ngày bà còn công tác tại bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Tây cũ) khi mới từ Trung Quốc trở về. Ngày ấy, cường độ làm việc của bà gần như suốt ngày đêm. Tối nào ở khoa cũng nấu nồi cháo để mọi người bồi dưỡng sau những giờ làm việc căng thẳng.

“Tôi nhớ như in trường hợp một sản phụ ở Chương Mỹ (Hà Tây cũ) có chồng đi bộ đội nhưng ở nhà cái bụng bỗng to bất thường. Mẹ chồng đưa tới chỗ tôi, bà thật thà bảo rằng, con tôi bỗng nhiên bị lên cái u to ở bụng, nhờ bác sĩ chữa khỏi cho cháu, nó là đứa ngoan ngoãn, không đi đâu, không điều qua tiếng lại với ai bao giờ.

Tôi thăm khám và biết sản phụ có thai sắp tới tháng sinh, tôi quay sang người mẹ chồng ấy và bảo, bà cứ yên tâm về nhà, tôi sẽ chữa khỏi khối u cho con dâu bà, lúc ấy bà lên đón con về.

Một tháng sau chị này sinh. May mắn lúc ấy có một bác xích lô ngỏ ý nhờ tôi xem ai có nhu cầu cho con, trai hay gái cũng được thì cho bác ấy một đứa vì nhà bác không có con. Và tôi giao đứa con trai của sản phụ cho bác xích lô sau khi được sản phụ đồng ý. Lúc ấy, tôi thấy việc mình làm là nhân đạo vì đã bảo vệ được hạnh phúc của cả hai gia đình”, PGS.TS Hoài Đức nhớ lại.

Lúc chia tay chúng tôi, bà dặn đi dặn lại, ngành y là một ngành đặc biệt vì mang lại sự sống cho con người nên cần lắm những bác sĩ vừa có tâm vừa có tài. Bà gửi gắm trong đó là những mong mỏi của một vị bác sĩ về hưu với cả lớp bác sĩ trẻ ngày nay...

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức là chuyên gia đầu tiên về ngành sản phụ khoa ở Việt Nam. Bà thông thạo 4 ngoại ngữ, được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư năm 1992. Bà nguyên là Trưởng khoa Phụ khoa I, viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh.

Trước khi nghỉ hưu bà là chuyên viên cao cấp vụ Điều trị, bộ Y tế. Bà nổi tiếng về phẫu thuật và chữa vô sinh, đã được Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tặng bằng “Lao động sáng chế”, được bộ Y tế tặng nhiều bằng khen và chứng nhận “Chuyên gia ngành Sản – Phụ khoa Việt Nam”...

Sau khi nghỉ hưu, năm 1993, bà chủ trì thành lập trung tâm Sức khỏe phụ nữ và Gia đình. Năm 2006, Trung tâm phát triển thành viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình. Trong 23 năm làm Giám đốc sau đó là Viện trưởng, bà đã quan tâm tới sức khỏe cộng đồng, thực hiện nhiều dự án cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...