Ăn mứt để... chữa bệnh

Mứt gừng

Gừng chứa nhiều sinh tố và chất dinh dưỡng như protid, lipid, chất xơ, bêta-caroten, vitamin (B1, B2, PP, C), canxi, sắt, kẽm, phốt pho, selen... đều là những chất không thể thiếu cho cơ thể. Gừng có tính ấm, vị cay; có tác dụng cầm nôn, tiêu đàm, ra mồ hôi, sát trùng, tiêu đàm trị ho suyễn... gừng mang lại nhiều lợi ích nhưng không nên dùng nhiều, mỗi ngày chỉ dùng từ 1-2 lát, mỗi lần 4-5 lát, nếu ăn mứt chỉ nên ăn từ 10-15g/ ngày.

Mứt hạt sen

Hạt sen có tác dụng bổ tâm và thận, thích hợp dùng làm món ăn “thực dưỡng” cho người mất ngủ, mộng nhiều, hồi hộp bất an, di tinh, tiêu chảy do rối loạn chức năng tiêu hóa... mỗi 100g hạt sen chứa 2,8g protid, 0,5g lipid, 0,7mg chất xơ, 46,2g glucid, vitamin B1: 0,04mg; B2: 0,09mg, PP: 1,5mg, 2,4mg calci, 133mg phốt pho- đều cần thiết cho nhu cầu của cơ thể. Hạt sen có tác dụng giúp giảm cảm xúc căng thẳng, an thần, giúp dễ đi vào giấc ngủ. Với mứt hạt sen, chỉ nên ăn từ 20-50g/ngày.

Mứt cà rốt

Cà rốt chứa nhiều sinh tố A, có tác dụng chữa khô giác mạc, quáng gà, vết thương lâu lành... chứa nhiều glucoza, lecithin, carotene, dầu thực vật... cà rốt có tác dụng kích thích ăn uống và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, cà rốt còn là một trong những bài thuốc chữa kiết lỵ mãn tính hiệu quả. Mứt cà rốt có tác dụng tốt với người khó tiêu, thiếu máu, gầy, trẻ em chậm lớn, chậm mọc răng, tiêu chảy do thiếu dinh dưỡng. Có thể dùng mứt cà rốt từ 30 đến 50g/ngày.

Mứt tắc (quất)

Tắc có tác dụng giải khát và kích thích tiêu hóa, tiêu đàm, chống nôn mửa. Mứt tắc chứa 160mg vitaminA, 55mg vitaminC, 0,14mg vitamin B1, 0,06mg vitamin B2. Ngoài ra, mứt tắc còn được xem là bài thuốc hữu hiệu giải độc do rượu, thuốc lá gây ra. Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 10 đến 15g mứt tắc.

Mứt hồng

Hồng có tác dụng chữa suy nhược cơ thể và suy dinh dưỡng... Ngoài ra, khi ăn mứt hồng, bạn đừng vứt vỏ, vì vỏ hồng được xem là vị thuốc chữa ho và bệnh đi tiểu đêm rất tốt. Với mứt hồng, bạn có thể dùng 60 đến 100g/ngày.

Mứt cà chua

Màu đỏ tươi của quả cà chua có từ sắc tố lycopene. Đây là sắc tố thuộc nhóm carotenoid có khả năng chống oxy hóa rất mạnh. Lycopene giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư và sự lão hóa. Với nhiều sinh tố A, cà chua thường được dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, sống trong môi trường nóng, độc vì nó có tác dụng giải nhiệt, giải khát và tăng lực. tuy nhiên, khi ăn cà chua nấu chín thì lycopen mới phát huy tác dụng tốt.

Mứt bí

Bí có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải khát, tiêu độc. Ngày Tết, khi phải ăn uống nhiều món nóng, việc nhâm nhi một miếng mứt bí sẽ giúp cho cơ thể ít nhiều giảm đuộc độ nóng trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn mỗi ngày tối đa 5g mứt bí.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Mứt đậu phộng

Đậu phộng có giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều chất đạm, đường, béo. Mứt đậu phộng cung cấp lượng ka-li lớn cho cơ thể nên có khả năng chống lạnh rất tốt. Không chỉ ngày Tết mà hàng ngày nếu có thể, phụ huynh nên cho trẻ dùng thêm các loại đậu. Hàm lượng dùng hàng ngày là từ 10-20g.

Mứt dừa

Mứt dừa có tác dụng nhuận tràng, là vị thuốc chống táo bón trong những ngày Tết khi khẩu phần ăn nhiều chất đạm. Mỗi ngày không nên dùng quá 10g mứt dừa.

Mứt dâu tây

Loại quả này chứa nhiều chất bổ hơn cả cà chua, kiwi hay bông cải xanh- những loại thực phẩm nổi tiếng có giá trị dinh dưỡng cao. Trong dâu tây có chứa các chất bảo vệ và chống oxy hóa. Mỗi ngày bạn có thể dùng từ 5- 10g.

Mứt khoai lang

Khoai lang có tác dụng bồi dưỡng và nhuận tràng. Mỗi ngày chỉ nên ăn từ 4 đến 6g mứt khoai.

Mứt kiwi

Đối với những người có bệnh về đường ruột, đại tràng, bao tử, kiwi là một liều thuốc thn nhiên kỳ diệu góp sức vào chức năng tiêu hóa của cơ thể, tăng cường chức năng của dạ dày và giúp giảm táo bón.

Ngoài ra, kiwi còn làm giảm đáng kể sự tích tụ các tiểu huyết cầu, giảm tỉ lệ máu bị đóng cục, làm cho khí huyết lưu thông, tránh được bênh tai biến mạch máu não và các bệnh về tim mạch. Đặc biệt, kiwi còn có khả năng chống lão hóa.