Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ thông tin về vấn đề chuyển đổi giới tính”, rất nhiều vấn đề liên quan đến người chuyển giới và những ý kiến đóng góp để Luật Chuyển đổi giới tính được chính những chuyên gia và những người trong cuộc bàn thảo một cách thẳng thắn.
Những tâm sự nhói lòng
Đó là những chia sẻ rất thẳng thắn của chính những người trong cuộc về cuộc sống và khó khăn mà họ phải đối mặt khi không được xã hội thừa nhận. Bạn Nguyễn Minh Quân (TP.HCM) tâm sự, ngay từ khi còn trẻ thơ, Quân đã nhận ra những điểm khác lạ trong cử chỉ và hành động của mình, đặc biệt là sở thích ăn mặc giống con gái và điều đó càng được chứng minh khi năm học cấp II, Quân thấy vòng 1 to ra.
Tuy có những thay đổi như vậy, nhưng Quân không dám nói với ai mà vẫn cố gắng chịu đựng, sinh hoạt bình thường và quyết tâm đi thi đại học. Nhưng chính điều đó đã làm khó Quân khi tốt nghiệp đại học, đó là lúc Quân đi xin việc làm và nhà tuyển dụng đã từ chối vì vóc dáng và hình thể của Quân không phù hợp với văn hóa công ty.
Từ đó, Quân làm mọi cách để “cố gắng” sống với vẻ bề ngoài là một người đàn ông, Quân đã tăng từ 45 lên 75kg chỉ trong vòng 1 năm. Nhưng với khao khát tìm lại chính mình, Quân tự sử dụng thuốc nội tiết tiêm nhưng bị áp xe. Khi mang thuốc đến cơ sở y tế, họ không tiêm và quay lại nhìn Quân với ánh mắt khinh bỉ.
Khác với Quân, bạn Đào Tú Anh (Hà Nội) người đã từng phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ ở cách đây 1 năm. Đầu tiên là phẫu thuật tạo hình ngực, sau đó phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục.
Rất nhiều người thể hiện sự hài lòng sau khi Quốc hội thông qua việc phẫu thuật chuyển giới.
Nỗi đau của Tú Anh cũng là nỗi đau của hàng nghìn người chuyển giới khác, khi đang sống một cuộc đời “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Nhưng giờ đây, Tú Anh đang cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình.
Tuy nhiên, Tú Anh cũng chia sẻ điều mà cô cũng như bao người đã chuyển giới khác ở Việt Nam đang phải gánh chịu đó chính là sự kỳ thị của mọi người, là khó khăn trong việc giao dịch dân sự… Vì giấy tờ giới tính là nam, nhưng bề ngoài là nữ, nên chị phải giải thích rất nhiều mới được chấp nhận.
Bao giờ người chuyển giới được là chính mình
Tại cuộc Hội thảo này TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Những người này, cơ thể sinh học là nam nhưng trong suy nghĩ và hành động lại ngược lại.
Theo ông Quang, do Việt Nam chưa cho phép chuyển giới nên nhiều người có nhu cầu phải ra nước ngoài thực hiện, cả nước hiện có 500 đến 1.000 người ra nước ngoài thực hiện.
Ông Quang cho rằng, chuyển giới ở nước ngoài khó nhưng khi về đến Việt Nam họ vẫn gặp trở ngại. Do Luật không cho phép nên họ không được công nhận về nhân thân, không được thay đổi giới tính trên giấy tờ nên họ trở thành người vô hình và không được pháp luật thừa nhận.
Về vấn đề y tế, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, về y học, Việt Nam có thể thực hiện được nhưng Quốc hội có thừa nhận hay không cần phải xem xét, phân tích kỹ cả về pháp luật đạo đức, khoa học và thực tiễn.
“Đã có rất nhiều người đến hỏi tôi để phẫu thuật nhưng tôi từ chối, không dám mổ vì nếu thực hiện là sai quy định của pháp luật. Kể cả có nhiều tiền đến mấy cũng không ai dám làm, vì làm là bị đi tù ngay", PGS.TS Trần Ngọc Bích - Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Nhi Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, PGS Trần Ngọc Bích cũng cho biết, hiện chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý và khoa học về vấn đề này. Vì vậy, đã đến lúc cần phải quy định vấn đề này trong Luật và cần nhìn nhận lại tại sao nước ngoài họ làm và nếu chúng ta làm thì làm đến đâu cho đúng.
Đăng nhận xét