Đó là cụ bà Nguyễn Thị Trắng (86 tuổi) và Nguyễn Thị Mai (85 tuổi) cùng ngụ tại phường Cầu Kho, quận 1, TP. HCM.
Một ngày tháng 5 nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến chân cầu Nguyễn Văn Cừ rồi men theo lối vào một con hẻm nhỏ tìm nhà cụ Trắng và cụ Mai. Một người dân vừa nói vừa chỉ tay về phía góc đường: “Làm gì có nhà mà tìm hả con, hai cụ ấy sống trong cái lều được che bằng mấy tấm bạt rách nát kia kìa! Tội lắm con ơi!”
Chúng tôi cảm ơn rồi vội vàng tìm về lối được chỉ, hiện ra trước mắt là một túp lều tạm bợ che chắn bằng bạt rách bươm khắp nơi, bên trong hai cụ bà nằm trên chiếc giường cũ kĩ mồ hôi ra ướt nhẹp vì nắng nóng. Ở góc túp lều mùi hôi bốc ra nồng nặc vì nhiều vật dụng cũ kĩ.
Thấy có khách, hai cụ gắng gượng ngồi dậy tiếp chuyện chúng tôi. Cụ già với mái tóc trắng cắt ngắn lấy vội chiếc ghế cũ bảo: “Các cháu ngồi đỡ, nhà hai cụ nghèo quá nên không có chỗ để ngồi đàng hoàng cho lắm!”
Cụ cho biết mình tên là Trắng còn người ngồi bên cạnh là em gái tên Mai. Cả hai từ TP. Sa Đéc lên TP. HCM sinh sống từ năm 1945 đến nay.
Túp lều hai chị em cụ Trắng và Mai đang ở được che chắn bằng bạt, tôn rách
“Khi ấy cuộc sống khó khăn, do chiến tranh nên cả hai chị em ruột cụ từ quê nhà lên TP. HCM sinh sống, đến nay cũng đã hơn 70 năm rồi. Lúc rời quê chỉ là những đứa trẻ 14-15 tuổi thôi mà giờ tóc đã bạc trắng, thân thể đã già rồi…”, cụ Trắng kể lại.
Ngày rời quê nhà lên TP. HCM, hai cụ đến một ngôi chợ quê (nay là địa điểm cây cầu Nguyễn Văn Cừ được xây dựng) rồi hành nghề buôn bán rau để có tiền nuôi sống bản thân. Cứ mỗi buổi sáng, cả hai dậy thật sớm đi mua rau từ các người dân ở ngoại ô để gánh đến chợ bán cho kịp phiên.
Cụ Mai chia sẻ: “Khi đó còn trẻ, các cô các bác cũng chỉ bảo cho kinh nghiệm. Ban đầu không có tiền thì mình mua nợ, bán xong ở chợ lại đem tiền đến trả cho người bán rau cho mình. Bán xoay vòng miết rồi cũng có đồng ra đồng vào để lo cho cuộc sống của hai chị em”
Thế rồi trong những lần buôn bán rau tại chợ, cụ Trắng gặp gỡ và kết duyên với một người đàn ông làm nghề đạp xích lô. Cả hai vợ chồng sinh được hai người con “đủ nếp đủ tẻ”, còn về phần cụ Mai vẫn ở vậy mà không lấy chồng. Sau khi có con, cuộc sống trở nên gánh nặng hơn nhưng vợ chồng cụ Trắng đều sống vui vẻ, cố gắng làm việc nhiều hơn để lo cho các con.
Rồi tai họa ập tới, khi các con của cụ Trắng còn quá nhỏ thì chồng cụ đột ngột qua đời. Mất đi người đàn ông trụ cột, cụ Trắng tưởng chừng như không vượt qua nổi, thế nhưng được sự đùm bọc giúp đỡ của cụ Mai, cụ Trắng gắng gượng vượt qua để lo cho con cái ăn, cái mặc.
Đến khi cầu Nguyễn Văn Cừ được xây dựng, ngôi chợ quê bị giải tỏa buộc lòng hai cụ phải rời đi không ở tạm để buôn bán rau được nữa. Mất đi miếng cơm, cả hai cụ chuyển sang nghề rửa chén, bán vé số tranh thủ lượm ve chai để bán mưu sinh. Đến đêm về, cả hai cụ và các con phải ngủ tạm bợ trong túp lều dựng tạm ven đường.
Cụ Mai và cụ Trắng rời quê nhà TP. Sa Đéc lên TP. HCM mưu sinh đã hơn 70 năm, điều mong mỏi trước khi nhắm mắt xuôi tay được về thăm quê hương. Sau này mất đi, hai cụ được chôn cất ở quê và tâm nguyện được chụp tấm ảnh thờ bởi chưa bao giờ được chụp hình
Cụ Trắng nói: “Sau này, vì thấy hai con cực khổ, các cụ cũng thuê nhà tạm để ở nhưng đi buôn bán không kham nổi tiền nhà thế là bàn tính dắt díu nhau đến tại chân cầu Nguyễn Văn Cừ làm tạm túp lều sống đến nay. Nếu lúc trước khỏe cả hai cụ còn dắt díu nhau đi bán vé số được thì sau này sức khỏe yếu đi, chỉ ở nhà lượm rau thuê cho người ta kiếm thêm đồng đủ đong gạo. Về phần hai đứa con, một đứa có vợ rồi nhưng cũng lắm vất vả. Từ ngày lên thành phố sống, hơn 70 năm thì tài sản quý giá nhất đó chính là hai đứa con mà thôi!”
“Vất vả cực khổ thế nào hai chị em cụ cũng đã nếm trải rồi, chỉ thương cho hai đứa con của chị (cụ Trắng – PV) tuổi thơ vất vả cực khổ. Chưa bao giờ có nổi một bữa cơm ngon có thịt cá mà phải ăn cùng dì và mẹ nó rau lan chấm mắm. Những khi trời mưa gió, nước chảy xối xả, túp lều rách nát đã không đủ che khiến tất cả ôm nhau mà tủi thân…”, cụ Mai tiếp lời khi dòng nước mắt tự lăn dài trên má khi nào.
Khi được hỏi niềm mong ước cuối đời của mình là gì, cụ Mai bảo, chỉ mong trước khi nhắm mắt được về TP. Sa Đéc thăm quê hương, gặp gỡ người thân, bà con hàng xóm. “Không biết bây giờ quê hương thay đổi thế nào, mọi người có ai còn sống còn nhớ đến hai chị em cụ không?”, cụ Mai nghẹn lời.
Cụ Trắng nghe lời cụ Mai nói xong cũng gật đầu rồi nhìn xuống máy ảnh chúng tôi, nói: “Chụp cho hai cụ tấm đi con, từ khi lên thành phố sống đến giờ chưa bao giờ được chụp ảnh. Chụp cho hai cụ tấm để sau này đi ra đường lỡ lạc còn có ai dắt về, có tấm ảnh mà thờ chứ!”
Nghe những lời tâm sự như vậy, chúng tôi cũng cay khóe mắt tự lúc nào. “Các cụ nhìn vào máy ảnh con đây! Nhìn vào máy ảnh, con chụp cho tấm thật đẹp nhé!”, chúng tôi nói rồi chụp cho hai cụ vài tấm.
Chiều tố, thành phố lên đèn, chúng tôi chia tay hai cụ ra về mà lòng đầy trĩu nặng.
Đăng nhận xét