Ngày 30-1, ông Hoàng Thanh Lâm, trưởng Công an xã Vạn Ninh, phát hiện máy đào và 10 xe ô tô đang đào, vận chuyển diệp thạch sét ở thôn Bến. Số diệp thạch sét này sẽ được bán cho xi măng Vicem Hải Vân. Việc đào bới gây ảnh hưởng lớn đến khu vực di tích lịch sử nhà thờ Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Khi bị công an xã ngăn cản.
Các đối tượng trộm mỏ lớn tiếng đòi hành hung, chống đối người thi hành công vụ. Sau đó ít phút, công an huyện có mặt mới vãn hồi được trật tự, nhóm người lái máy xúc bỏ đi, các xe ô tô này cũng nhanh chóng bỏ chạy khỏi hiện trường.
Hiện trường vụ đào mỏ diệp thạch sét.
Điều kỳ lạ là khi cơ quan công an làm nhiệm vụ, người đàn ông có tên Trần Văn Lịch tự xưng là người của Công ty xi măng Vicem Vạn Ninh xuất hiện, yêu cầu: "Không được bắt, đã gọi điện thoại cho lãnh đạo tỉnh".
Giám đốc xi măng Vicem Vạn Ninh, ông Hoàng Xuân Thịnh đã xác nhận ông Lịch là người của phòng hành chính công ty. Về nguyên tắc, Vicem Vạn Ninh phải có giấy phép mỏ diệp thạch sét như được cấp mỏ đá để làm phụ gia sản xuất xi măng. Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay cung cấp đất phụ gia và diệp thạch sét có Công ty TNHH Tài Lộc Phát (Sơn Thủy, Lệ Thủy) đảm bảo. Thế nhưng trong hồ sơ, Tài Lộc Phát không được cấp bất cứ mỏ diệp thạch sét nào.
Thời gian gần đây, tình trạng trộm mỏ diệp thạch sét hiện diễn ra tràn lan ở Vạn Ninh, An Ninh, Sơn Thủy... Riêng xã An Ninh đã bùng phát 11 mỏ đất lậu và diệp thạch sét lậu khiến tài nguyên mỏ, nguồn thuế bị thất thu, diện tích đất đai ngày càng thu hẹp, các di tích trên địa bàn bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện xã An Ninh đánh giá đã bị trộm hơn một triệu khối mỏ diệp thạch sét, xã Vạn Ninh cũng bị trộm hàng triệu khối, nhiều quả đồi bị đào bới triệt để.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Viết Ánh, cho biết huyện đang làm việc tích cực để chấm dứt tình trạng trộm mỏ làm thất thoát tài nguyên. Sai ở đâu xử lý ở đó, nếu có dấu hiệu hình sự thì xử lý theo pháp luật.
Đăng nhận xét