Với khoảng 60% ngân sách đang được chi trả cho cuộc chiến, Bộ trưởng Marchenko cho biết, ông đã phải cắt giảm tất cả các khoản chi không cần thiết. Nhưng doanh thu từ thuế hiện chỉ đủ cho 40% chi tiêu của chính phủ, theo báo cáo của WSJ. Do các khoản viện trợ tài chính từ phương Tây đến quá muộn, nên Ukraine đang phải vật lộn để trả lương cho các binh sĩ của họ
Chính quyền Kiev trước đó cho biết, họ cần 5 tỷ USD mỗi tháng để điều hành đất nước và sẽ không thể cầm cự nếu không có sự trợ giúp của phương Tây.
Tuy nhiên, các khoản viện trợ và cho vay được các nhà tài trợ nước ngoài cam kết cho Ukraine đã đến chậm hơn dự kiến.
Ví dụ, cho đến nay EU chỉ cung cấp 1 tỷ Euro trong số 9 tỷ Euro mà họ đã hứa cho Kiev. Đức từ chối ý tưởng cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho Ukraine dù có sự bảo lãnh từ các nước thành viên EU.
Theo Marchenko, ông đã dành nhiều thời gian làm việc để thuyết phục các chính phủ phương Tây giải ngân nhanh hơn.
“Nếu không có khoản tiền này, chiến tranh sẽ kéo dài hơn và nó sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho các nền kinh tế", ông Marchenko nhấn mạnh.
Rostislav Shurma, cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky thậm chí mô tả tình hình theo cách khắc nghiệt hơn.
"Nếu Kiev hành động chậm chạp, người Nga sẽ ở biên giới Ba Lan ngay bây giờ. Họ (lãnh đạo các nước châu Âu) không cảm thấy chiến tranh. Đó chính là vấn đề. Ở EU, điều duy nhất họ cảm thấy là giá cả tăng vọt", ông Shurma nói.
Do thiếu ngân quỹ, Ngân hàng Trung ương Ukraine không còn cách nào khác là phải in thêm tiền để chính phủ trả lương cho quân đội và mua vũ khí, đạn dược để tiếp tục chiến đấu.
Cách tiếp cận này đã làm suy yếu đồng tiền của Ukraine. Đồng Hryvnia vốn đã mất giá 30% kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine, khiến lạm phát tăng đột biến.
Nhưng đây là một rủi ro mà ông Marchenko cho biết Ukraine sẵn sàng chấp nhận. “Chúng ta cần phải nỗ lực để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Thà rủi ro lạm phát cao còn hơn là không trả lương cho binh lính”, ông Marchenko tuyên bố.
Đăng nhận xét