Chia sẻ với Zing, giáo sư Jun Myung Jin nhận định nhà bán hầm ở Seoul đã xuất hiện từ lâu và có nhiều hạn chế, song việc xóa bỏ loại hình nhà ở này cũng tồn tại rủi ro.
Theo giáo sư Jun Myung Jin, khoa Quy hoạch Đô thị và Bất động sản tại Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc), nhà bán hầm là lựa chọn cuối cùng cho những người kém may mắn về kinh tế, và không có vị thế trong xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là nơi ươm mầm cho những bước phát triển vượt bậc.
“Với một số người, cuộc sống lưng chừng dưới mặt đất có thể giúp họ có ý chí: ‘Tôi phải nỗ lực để thoát khỏi nơi này’, nhưng mặt khác, nó cũng có thể dẫn đến cảm giác bi quan, thiếu tự tin”, ông nói với Zing.
Những căn nhà bán hầm ở Seoul trở thành tâm điểm chú ý sau trận lũ lịch sử vào tối 8/8. Trong đêm mưa xối xả, một gia đình 3 người ở quận Gwanak, phía nam Seoul, trong đó có một trẻ em 13 tuổi đã bị mắc kẹt dưới căn nhà bán hầm ngập nước và thiệt mạng.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Đô thị Hàn Quốc, cả nước có 336.896 hộ gia đình đang sống trong nhà bán hầm, lớn hơn 7 lần so với căn phòng trên tầng thượng và gấp đôi số gia đình sống trong gosiwon (dạng phòng trọ chật hẹp, điều kiện tồi tàn).
Trong đó, Seoul có 200.000 hộ gia đình sống trong các căn nhà bán hầm, chiếm khoảng 5% tổng số hộ trong thành phố.
“Không có ánh sáng mặt trời”
Chia sẻ với Zing, giáo sư Jun cho biết những ngôi nhà bán hầm xuất hiện và trở nên phổ biến ở Seoul từ năm 1970, khi nguy cơ chiến tranh vẫn còn kề cận.
“Vào thời điểm đó, chính phủ đã sửa đổi luật xây dựng, yêu cầu các công trình mới phải có tầng hầm sử dụng cho mục đích quân sự như làm hầm trú ẩn hoặc công sự phòng không. Yêu cầu đặt ra là 2/3 tầng hầm nằm dưới lòng đất”, ông nói.
Đến năm 1975, chính phủ Hàn Quốc sửa đổi luật xây dựng cho phép không gian này được dùng để ở.
Theo giáo sư Jun Myung Jin, năm 2010, khoảng 300.000 hộ gia đình ở Seoul sống trong những ngôi nhà bán hầm. Đến nay, con số này đã giảm xuống còn khoảng 200.000.
Điều đó có nghĩa cứ 20 hộ gia đình ở Seoul thì có một hộ vẫn sống ở nhà bán hầm.
“Từ góc nhìn của chủ nhà, rõ ràng họ không muốn để trống không gian này khi không còn chiến tranh. Do đó, những căn phòng tầng hầm dần được sử dụng vào mục đích khác”, vị giáo sư chia sẻ với Zing.
“Ban đầu, họ thường sử dụng làm kho chứa đồ đạc và không có người ở. Tuy nhiên, khi dân số ở các thành phố lớn bùng nổ do hiện tượng di cư từ nông thôn ra thành thị, số lượng người nghèo chuyển đến Seoul ngày càng tăng. Việc cải tạo và cho thuê tầng hầm trở thành xu hướng”, ông nói.
Theo vị chuyên gia, việc cho thuê tầng hầm vốn là bất hợp pháp vì nó không phải để ở, nhưng chính phủ đã hợp pháp hóa điều này để giúp giải quyết tình trạng thiếu nhà tại Seoul.
Mặt khác, ông Jun cho biết nhà riêng ở Seoul chỉ được cao tối đa 4 tầng và trên giấy tờ, phòng bán hầm không được coi là một tầng. Do đó, “chủ nhà thường xây khoảng không gian này để thu thêm tiền cho thuê”.
Theo ghi nhận của giáo sư Jun, điều kiện sống trong phòng bán hầm có rất nhiều hạn chế.
“Vì không có ánh sáng mặt trời, căn phòng luôn tối tăm dù giữa ban ngày. Giấy dán tường bị ố vàng và bốc mùi ẩm mốc, nhưng người dân không thể mở cửa sổ vì muốn tránh người qua đường nhìn vào”, ông nói.
Hệ thống thông gió kém cũng dẫn đến nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, do độ ẩm cao, phòng thường có nhiều nấm mốc, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ở những nơi đặc biệt nghiêm trọng, nấm mốc có thể lan sang quần áo, chăn màn, thậm chí cả gạo, vị giáo sư chia sẻ.
“Vào rạng sáng, đôi khi (có thể bắt gặp) những người say rượu đi tiểu trên đường phố (cạnh những căn phòng này)”, ông nói thêm.
Theo giáo sư, khói bụi từ các phương tiện giao thông cũng là một trở ngại khi sống trong các căn nhà bán hầm ở Seoul, do ống xả ôtô đi trên đường cao ngang cửa sổ tầng bán hầm. “Đó là lý do cư dân ở đây luôn phải đóng cửa sổ”.
Bên cạnh đó, tiếng ồn cũng là vấn đề đáng quan ngại. “Không chỉ có ôtô, tiếng ồn từ tiếng xe máy cũng rất lớn, thậm chí (những người sống bên dưới) có thể nghe rõ tiếng bước chân và giọng nói của mọi người. Các loại côn trùng như gián, chuột, muỗi, ruồi cũng dễ dàng chui vào phòng”.
“Đến mùa đông, cần kiểm tra các thiết bị sưởi ấm. Do tính chất của tầng bán hầm, khí có thể tích tụ xuống phía dưới gây ngạt thở và ngộ độc khí”, ông nói thêm.
Giáo sư cũng cho biết cấu trúc tầng bán hầm khiến nơi này dễ bị đột nhập, do đó, cần có cửa sổ chắc chắn. Tuy nhiên, “cánh cửa này cũng có thể trở thành chướng ngại vật khiến những người trong nhà không thể thoát ra ngoài trong tình huống thảm họa”.
Dù có nhiều hạn chế, trớ trêu thay, nhà bán hầm vẫn rất phổ biến vì giá thuê rẻ hơn so với nhà bình thường.
Nói cách khác, nhiều người thuộc tầng lớp thu nhập thấp, không có khả năng chi trả cho những căn phòng trên cao, sẽ lựa chọn loại nhà này.
Giáo sư trích dẫn báo cáo “Điều tra hiện trạng nhà ở năm 2018”, cho biết 15,5% hộ gia đình sống trong nhà bán hầm có thu nhập thấp, 15,5% số hộ có người khuyết tật và 12,3% là thanh niên, 9,1% là người cao tuổi chủ yếu sống một mình.
Kế hoạch nhiều rủi ro
Trước những lo ngại liên quan đến an toàn sau thảm họa tối 8/8, chính quyền thành phố Seoul tuyên bố sẽ không cho phép xây dựng phòng ở tầng hầm hoặc tầng bán hầm, đồng thời thúc đẩy việc loại bỏ dần những ngôi nhà dưới mặt đất hiện có.
Đổi lại, thành phố sẽ đưa ra ưu đãi cho những chủ sở hữu này, chẳng hạn trợ cấp tu sửa, các quan chức cho biết.
Về vấn đề này, giáo sư Jun nhận định việc cấm xây dựng sẽ làm giảm số lượng nhà bán hầm. Tuy nhiên, điều đó lại khiến số lượng chỗ ở cho người nghèo suy giảm.
“Cuối cùng, họ có nhiều khả năng chuyển đến một nơi nghèo hơn như phòng trên tầng thượng hoặc gosiwon, hoặc chuyển ra xa Seoul hơn. Kết quả là thời gian đi làm sẽ lâu hơn và chất lượng cuộc sống của họ bị giảm sút”, ông Jun nhận định.
Trong khi đó, theo anh Quốc Duy, một người Việt đã sống tại Seoul hơn 4 năm, không phải căn nhà bán hầm nào cũng ẩm thấp và kém chất lượng.
Cũng sống trong căn nhà bán hầm, tuy nhiên, anh Duy cảm thấy rất hài lòng với không gian này. “Tôi đang sống trong một căn nhà bán hầm ở Seoul, nhưng nó rất thoáng mát và sạch sẽ. Điều đó không giống với những gì truyền thông đưa tin”, anh Duy cho biết.
Trong đợt mưa lũ vừa rồi, nhà của anh Duy cũng không bị ảnh hưởng do tọa lạc trên một khu đất cao, thoát nước tốt.
“Tôi thấy hoàn toàn ổn. Không gian của nó rất rộng rãi và thoáng mát, rộng chừng 30 m2. Tiền thuê cũng khá hợp lý, một tháng rơi vào khoảng 10 triệu đồng, và phải cọc trước 100 triệu đồng”, anh cho hay.
Theo anh Duy, nhà bán hầm rất phổ biến ở Seoul, “cũ cũng có mà mới cũng có”.
“Những căn nhà bán hầm cũ thường dành cho sinh viên nghèo hoặc những ông bà cao tuổi. Những căn cũ tôi thấy rất nhiều gián, và mưa lũ thì chắc chắn bị ảnh hưởng”, anh nói. Tuy nhiên, theo ghi nhận của anh Duy, mưa lũ rất hiếm xảy ra ở Hàn Quốc.
Để ngăn chặn những thảm kịch tương tự đối với người dân sống trong căn nhà bán hầm, giáo sư Jun đề cao nhiệm vụ phòng chống thiệt hại do lũ khi xây đựng đường hầm sâu.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất chính quyền hỗ trợ chi phí di chuyển và chi phí thuê nhà cho người dân sống trong nhà bán hầm, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi mưa lụt.
“Những ngôi nhà dưới lòng đất rất dễ bị ngập lụt, vì vậy (cư dân) phải luôn cẩn thận. Nếu nước dâng cao trên mắt cá chân, cần sẵn sàng sơ tán ngay lập tức. Vì nước đổ như thác, có thể nguy hiểm đến tính mạng chỉ trong 1-2 phút”, ông Jun kết luận.
Đăng nhận xét