Sân bay khắp thế giới chao đảo

Nhiều sân bay trên khắp thế giới đang chật vật đáp ứng nhu cầu đi lại tăng vọt trong mùa hè, giữa lúc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cùng một loạt vấn đề khác.

Sân bay khắp thế giới chao đảo - Ảnh 1.

Sự chậm trễ, hủy chuyến, hàng dài người chờ đợi và hành lý thất lạc đang gây khó khăn cho việc di chuyển bằng đường hàng không trên toàn thế giới. Nhiều hãng và sân bay phải vật lộn với nhu cầu tăng vọt trong mùa hè, cũng như tình trạng thiếu nhân viên.

Sân bay Gatwick của London đã yêu cầu các hãng hàng không cắt giảm chuyến bay vì họ phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên và hủy chuyến. Trong bốn ngày cuối tuần kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II vào đầu tháng này, lượng khách đứng chờ làm thủ tục đã kéo dài ra khỏi nhà ga, theo Wall Street Journal.

Sân bay khắp thế giới chao đảo - Ảnh 2.

Hình ảnh vali chất đống trong một sảnh hành lý tại sân bay Heathrow vào cuối tuần qua đã lột tả tình trạng quá tải tại các sân bay ở Anh. Ảnh: BBC.

Chậm trễ tại các cửa ngõ đi lại

Sân bay Amsterdam Schiphol của Hà Lan đang giới hạn số lượng khách được phép vào trong, đồng thời yêu cầu du khách không đến sớm hơn 4 giờ trước chuyến bay.

Hai sân bay trên đều là cửa ngõ cho các kỳ nghỉ ở châu Âu vào mùa hè này. Và giống như nhiều hãng trong ngành, họ đang gặp khó khăn với tình trạng thiếu nhân viên.

Hãng đã cố gắng thuê lại nhân viên sau đợt cắt giảm nhân sự vì đại dịch Covid-19. Sân bay Sydney tuần trước đã tổ chức một hội chợ việc làm nhằm tìm kiếm 5.000 nhân viên mới cho các hãng hoạt động tại sân bay như Qantas Airways và McDonald's.

Sân bay khắp thế giới chao đảo - Ảnh 3.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở Mỹ đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Ảnh: AP.

Tại sân bay quốc tế Toronto Pearson, tình trạng thiếu nhân viên phụ trách an ninh, hải quan và nhập cư đã gây ra sự chậm trễ, đồng thời khiến hàng dài người phải chờ đợi. Giới chức sân bay đang chuẩn bị cho sự gián đoạn kéo dài đến mùa thu, dự báo rằng nhu cầu đi lại sẽ không giảm xuống.

Sự chậm trễ, đặc biệt là ở châu Âu, là rất cao trong mùa hè này. Trong tháng này, 25% các chuyến bay theo lịch trình, ngoại trừ Nga, đã cất cánh muộn, với độ trễ trung bình là 34 phút, theo FlightAware, một nền tảng theo dõi chuyến bay. Con số đó của tháng 6/2019 là 28 phút.

Theo công ty tư vấn dữ liệu hàng không Cirium, số lần hủy chuyến đã tăng vào tháng 6. Tại Mỹ, khoảng 3% các chuyến bay theo lịch trình đã bị hủy bỏ trong tháng này, so với tỷ lệ 2% vào năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Ở châu Âu, ngoại trừ Nga, khoảng 2% tổng số chuyến bay đã bị hủy trong tháng 6, so với tỷ lệ 1% của cùng kỳ năm 2019.

Một loạt vấn đề kỹ thuật cũng làm tăng thêm sự gián đoạn trên khắp châu Âu. Thụy Sĩ đã tạm thời đóng cửa không phận do sự cố máy tính của hệ thống kiểm soát không lưu vào tuần trước.

Các chuyến bay đến sân bay Luton của London (Anh), một cửa ngõ vào châu Âu, đã bị hủy bỏ do mất điện vào đầu tháng này. Sân bay Praha giảm công suất hoạt động sau sự cố trong hệ thống kiểm soát không lưu vào tuần trước.

Nhu cầu đi lại trong nước của Mỹ đã tăng lên trong nhiều tháng. Một số nơi còn chứng kiến tình trạng quá tải ở những thời điểm bận rộn. Các hãng hàng không Mỹ đã hủy hơn 5.000 chuyến bay trong những ngày gần đây, với nguyên nhân là thiếu nhân viên hoặc thời tiết xấu.

Bên cạnh đó, Mỹ gần đây đã dỡ bỏ một trong những hạn chế cuối cùng để phòng dịch Covid-19 đối với du lịch toàn cầu. Lượng đặt vé tới các điểm đến của châu Âu gần như đã tăng trở lại mức ở năm 2019.

Chật vật bắt kịp với nhu cầu đi lại tăng vọt

Trong khi đó, ngành du lịch đang phải chiến đấu để bắt kịp với nhu cầu tăng, khi các nước đã dỡ bỏ hoặc giảm thiểu các hạn chế đi lại phòng dịch Covid-19.

Trên toàn cầu, ngành này cũng đang chật vật để hoàn thành nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát không lưu, an ninh sân bay, hành lý và phục vụ ăn uống, cũng như khi làm thủ tục lên máy bay.

Sân bay khắp thế giới chao đảo - Ảnh 4.

Tại sân bay quốc tế Toronto Pearson, tình trạng thiếu nhân viên đã gây ra sự chậm trễ và hàng dài người chờ đợi. Ảnh: Reuters.

Chính phủ các nước đã cố gắng hỗ trợ hoặc trợ cấp cho các hãng hàng không trong thời kỳ suy thoái do đại dịch. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính chắp vá, đồng thời không giúp một số hãng và sân bay giữ được đủ nhân viên để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu.

Các sân bay cũng phải đối mặt với những biện pháp an ninh liên quan đến việc tuyển dụng. Quá trình tuyển dụng có thể mất khoảng 16 tuần, bao gồm cả việc kiểm tra lý lịch an ninh để cho phép nhân viên vào các bộ phận nhất định của sân bay.

“Đưa nhân viên trở lại sân bay không giống như tuyển dụng vào nhà hàng hay siêu thị”, Olivier Jankovec, Tổng giám đốc của tập đoàn sân bay ACI Europe, cho biết.

Ông cho biết sẽ thật liều lĩnh nếu bắt đầu tuyển dụng sớm hơn, khi làn sóng biến chủng Omicron có thể khiến các hạn chế ở nhiều nơi quay trở lại. Tuy nhiên, ông nhận định "để có đầy đủ nguồn lực ngày hôm nay, chúng tôi cần phải bắt đầu tuyển dụng khoảng sáu tháng trước”.

Các hãng hàng không đang thực hiện các bước đi bất thường để giảm thiểu tác động. Hãng hàng không châu Âu easyJet đã loại bỏ một hàng ghế khỏi 58 chiếc máy bay Airbus A319 của hãng. Từ đó, chúng có thể hoạt động với ít thành viên phi hành đoàn hơn.

Hãng Qantas của Australia đã yêu cầu nhân viên tại trụ sở chính của họ đến trợ giúp dịch vụ mặt đất tại các sân bay ở Sydney, Melbourne và Brisbane. Họ đang thực hiện các nhiệm vụ như giao nước cho khách hàng hoặc hỗ trợ những người đến muộn kiểm tra an ninh.

Vào ngày 18/6, hàng trăm chiếc vali đã ngổn ngang tại phòng chờ ở tầng trệt, bên ngoài nhà ga của sân bay Heathrow. Chúng bị mắc kẹt ở đó do vấn đề liên quan đến xử lý hành lý.

Charlie Mischel, người điều hành một công ty viễn thông nhỏ ở Houston (Mỹ) và đang đi nghỉ dưỡng ở Anh, cho biết: “Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến điều như vậy”.

Một phát ngôn viên của Heathrow cho biết vấn đề hành lý đã được giải quyết. Bà cho biết "chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ" với các hãng hàng không để giải quyết tình trạng hành lý thất lạc của khách hàng.

Austin Carroll, một sinh viên đến từ Mỹ và từng đến London thực tập, cho biết hãng hàng không đã gửi email khuyên anh nên đến sân bay sớm ít nhất bốn giờ. Tuy nhiên, anh quyết định đến sớm 5 giờ: "Tôi không muốn mạo hiểm”.

 

Adblock test (Why?)