Trong bài bình luận được đăng trên tờ Sunday Guardian, ông Dobson cho biết, các quốc gia mua phần lớn vũ khí từ Nga đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của vũ khí Nga cũng như khả năng giao hàng trong tương lai" của nước này. Lý do dẫn đến sự ngờ vực này được cho là vì những "thất bại" của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga chiếm "19% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí" trên toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2021 - chỉ xếp sau Mỹ - nước dẫn đầu với 39% tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu.
Theo ông Dobson, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga có thể thất bại trong việc chinh phục Ukraine như việc nhiều tướng lĩnh cấp cao của nước này đã tử trận và nhiều loại vũ khí tối tân Moscow triển khai ở chiến trường Ukraine đã bị phá hủy.
"Các nước đang theo dõi sát sao màn trình diễn ảm đạm của Nga ở Ukraine và đưa ra kết luận của riêng họ. Lời quảng cáo để bán vũ khí của Nga nhìn chung luôn là chúng rẻ hơn và dễ bảo trì hơn so với các lựa chọn thay thế của phương Tây... Nhưng những lời quảng cáo này có thể không còn hiệu quả đối với nhiều quốc gia khi ho đang chứng kiến những tổn thất về trang thiết bị quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine", ông Dobson bình luận.
Theo ông Dobson, các chuyên gia đã ước tính rằng, từ đầu cuộc xung đột đến nay Nga mất khoảng 1.000 xe tăng, 50 máy bay trực thăng, 400 khẩu pháo và tỷ lệ hỏng tên lửa của nước này có thể lên tới 60% "do lỗi thiết kế và thiết bị lạc hậu hoặc kém chất lượng". Tuy nhiên, số liệu trên không thể được xác thực một cách độc lập.
Ngoài ra, ông Dobson cũng lưu ý rằng, vì bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, nên Nga có thể khó sản xuất vũ khí hơn khi không thể nhập khẩu nhiều thành phần như bảng mạch từ nước ngoài.
Điều này "có nghĩa là các nước muốn tiếp tục mua xe tăng và máy bay chiến đấu của Nga sẽ phải chờ đợi lâu hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của họ.
Ông Dobson cũng nhấn mạnh rằng, các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ có thể tận dụng việc Nga đang giảm vai trò xuất khẩu vũ khí để tăng cường chào hàng vũ khí của họ.
"Trong những năm tới, các nhà sử học sẽ đánh giá lại cuộc chiến ở Ukraine và liệt kê vô số hậu quả khôn lường của chiến tranh, đặc biệt là sự sụp đổ của ngành công nghiệp vũ khí của Nga", ông Dobson viết.
Đăng nhận xét