Theo tờ Politico, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang làm khó EU khi cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho một số khách hàng lớn nhất của Nga để trả đũa các lệnh trừng phạt mà khối này đã áp đặt với Moscow vì xung đột ở Ukraine.
Cuộc chiến khí đốt với Nga đang gây áp lực chính trị to lớn lên các chính phủ EU, đe dọa đến cuộc sống của người dân châu Âu trong mùa đông lạnh giá và khiến một số nước phải đi ngược lại các mục tiêu về khí hậu khi họ phải thay thế nhiệt điện bằng than. Cuộc chiến khí đốt thậm chí có thể đẩy Lục địa già vào suy thoái.
Simone Tagliapietra, một nhà phân tích của tổ chức tư vấn Bruegel đã gọi các chính sách của Nga là "tống tiền năng lượng".
Hiện chỉ 40% lượng khí đốt thông thường đang chảy dọc theo đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) dưới biển từ Nga sang Đức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khí đốt chảy tới Pháp, Ý và Áo cũng như Đức.
Công ty độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprom đã tạm dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Hà Lan, Phần Lan và Đan Mạch sau khi các công ty năng lượng của những nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Điện Kremlin.
Trước tình hình này, một số quốc gia đang có kế hoạch sử dụng các nhà máy nhiệt điện than để đáp trả cuộc chiến khí đốt với Nga.
"Phải thừa nhận rằng ông Putin đang giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu từng chút một, cũng là để tăng giá và chúng tôi phải đáp trả bằng các biện pháp của mình", Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck tuyên bố và cho rằng EU đang đối mặt với "một tình huống căng thẳng, nghiêm trọng".
Áo có kế hoạch tái khởi động một nhà máy điện bằng than vốn đã bị đóng cửa. Chính quyền Ba Lan tuyên bố trợ cấp than dùng để sưởi ấm trong gia đình.
Hà Lan hôm thứ Hai cũng quyết định loại bỏ các kế hoạch trước đó nhằm hạn chế sản lượng từ bốn nhà máy nhiệt điện than của họ.
"Nếu đây không phải là thời điểm đặc biệt, chúng tôi sẽ không bao giờ làm điều này", Bộ trưởng Khí hậu Hà Lan Rob Jetten tuyên bố.
Chính phủ Ý đang cố gắng thương lượng với các nước bao gồm Qatar, Angola và Algeria để ký kết các thỏa thuận cung cấp khí đốt trong một nỗ lực tuyệt vọng để đảm bảo nguồn cung cấp trong trường hợp Nga cắt nguồn cung.
Brussels rất muốn thể hiện sự tự tin của họ trong cuộc chiến khí đốt với Nga nhưng nỗi niềm lo lắng của họ cũng là không thể phủ nhận.
“Chúng tôi coi tình hình mà chúng tôi đang gặp phải rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang ở trong thời kỳ khó khăn. Thời gian không giúp mọi thứ dễ dàng hơn. Nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong cuộc họp với các phóng viên hôm thứ Hai 20/6.
Theo Politico, việc vội vàng đốt than để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng là một điều hết sức khó xử đối với những người châu Âu vốn đang theo đuổi các chính sách năng lượng sạch để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhu cầu phải tăng cường khai thác than để bù đắp sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên cũng đang làm gia tăng căng thẳng chính trị ở các nước EU.
Tại Berlin, phe đối lập bảo thủ đã chỉ trích chính phủ về việc cho phép tăng cường sử dụng than trong khi loại trừ việc giữ 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức hoạt động vào cuối năm nay.
“Điều cần thiết là phải giữ cho ba nhà máy điện hạt nhân còn lại hoạt động lâu hơn”, ông Bijan Djir-Sarai, tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do cho biết.
Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng, than vẫn tốt hơn là hồi sinh năng lượng nguyên tử, đồng thời lập luận "năng lượng hạt nhân sẽ không giúp ích gì cho nước Đức ngay bây giờ, không phải trong 2 năm tới, đó là điều quan trọng".
Đăng nhận xét