Tập đoàn khí đốt Gazprom PJSC của Nga đã quyết định không tăng cường vận chuyển thêm khí đốt đến châu Âu thông qua các đường ống của Ukraine vào tháng 7 hôm thứ Hai 20/6.
Đó là một dấu hiệu khác cho thấy nguồn cung từ Moscow có thể vẫn bị hạn chế trong nhiều tuần sau khi quốc gia này cắt giảm lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), tuyến đường khí đốt lớn nhất tới Liên minh châu Âu (EU) xuống chỉ còn 40% công suất.
Việc siết chặt dòng chảy khí đốt tới châu Âu trên đã khiến giá khí đốt tăng cao, tạo thêm áp lực cho các nước thành viên EU vốn đang phải chống chọi với lạm phát gia tăng.
Đức đã gọi việc cắt giảm nguồn cung của Nga là mang "động cơ chính trị" và không phải do các vấn đề kỹ thuật, như Gazprom tuyên bố.
Nguồn cung cấp khí đốt vào tháng tới có thể còn thắt chặt hơn do đường ống Nord Stream được lên kế hoạch ngừng hoạt động hoàn toàn trong vài ngày mà theo Gazprom là nhằm để tiến hành các công việc bảo trì.
Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Gazprom tăng cường dòng chảy khí đốt qua đoạn đường ống xuyên biên giới Sudzha để tăng cường nguồn cung cấp cho châu Âu. Tuy nhiên, đề nghị của Ukraine đã bị Gazprom thẳng thừng khước từ.
Trên thực tế, theo Bloomber, Nga vẫn có thể tăng cường năng lực vận chuyển khí đốt thông qua Ukraine tại trạm Sudzha nhưng họ đã không sử dụng lựa chọn này.
Gazprom có thể cung cấp 77,2 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày qua Sudzha theo hợp đồng trung chuyển với Ukraine nhưng vẫn chỉ giữ dòng chảy ở mức 42 triệu mét khối.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov hôm 16/6 cảnh báo nước Đức sẽ hứng chịu "thảm họa khí đốt" khi các tua-bin nén khí được tập đoàn Siemens đưa tới sửa chữa, bảo dưỡng ở Canada và chậm trễ bàn giao do lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, khiến đường ống Nord Stream "có thể ngừng hoạt động".
Lượng khí đốt Nga cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream trên thực tế đã giảm liên tiếp vài ngày. Nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu sụt giảm khiến giá năng lượng tăng, giữa lúc lạm phát ở các nước trong khu vực gần chạm ngưỡng cao nhất trong 40 năm.
Đáp lại, hôm 20/6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông báo nước này sẽ khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than để tránh thiếu hụt nguồn cung năng lượng đến từ việc Nga cắt giảm lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu trong tuần này.
"Điều này thật cay đắng nhưng trong tình huống này, điều cần thiết là phải giảm việc sử dụng khí đốt", ông Habeck cho biết.
Ông Habeck cho biết Berlin đang làm việc về một đạo luật mới để tạm thời khôi phục hoạt động của nhiều nhà máy nhiệt điện than trong thời hạn 2 năm. Luật dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 7 tới.
Tuy nhiên, kế hoạch này đi ngược lại với chính sách chống biến đổi khí hậu của Đức. Nước này từng công bố kế hoạch hạn chế và tiến đến chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2030, vì nguồn điện này phát thải carbon nhiều hơn so với sử dụng khí đốt.
Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine ngày 24/2, Berlin nhập khẩu 55% lượng khí đốt của nước này từ Moscow. Nhưng kể từ khi các nước châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine, Moscow đã cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu. Tuần trước, Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã giảm 60% lượng khí đốt cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream.
Đăng nhận xét