Chiến đấu cơ tàng hình F-35A của Mỹ.
Quốc gia trung lập ở châu Âu sẽ mua 36 chiến đấu cơ F-35A của Mỹ với giá 5,5 tỉ USD. Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng đây là hợp đồng ”đem lại lợi ích lớn nhất trong khi chi phí rẻ nhất”, theo CNN.
Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng đạt thỏa thuận mua các tổ hợp tên lửa Patriot của hãng Raytheon, trị giá hợp đồng lên tới 2,1 tỉ USD. Các nhà thầu vũ khí châu Âu đã thất bại trong trong cả hai đơn hàng so với đối thủ Mỹ.
Chiến đấu cơ F-35 là dự án chi phí tốn kém bậc nhất và gây nhiều chỉ trích ở Mỹ. Tuy nhiên, Thụy Sĩ là quốc gia thứ 15 đã chọn mua chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 này.
Trước khi “chốt” mua F-35A, Thụy Sĩ đã cân nhắc các lựa chọn khác như F/A-18 Super Hornet của hãng Boeing, Rafale của hãng Dassault (Pháp) và Eurofighter của liên minh giữa Đức và Italia.
Phe đối lập ở Thụy Sĩ ngay lập tức lên tiếng phản đối, tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này.
Phe đối lập cho rằng Thụy Sĩ không cần đến chiến đấu cơ hiện đại nhất để bảo vệ chủ quyền dãy Alpine, vì máy bay phản lực chỉ mất 10 phút để bay qua khu vực.
“Quyết định này là không phù hợp”, Priska Seiler Graf, thành viên Quốc hội Thụy Sĩ, thuộc đảng Dân chủ Xã hội đối lập (SP), nói. “Vấn đề không chỉ là mua những vũ khí này, mà còn là chi phí bảo dưỡng, vận hành”.
“Các đối tác châu Âu cung cấp lựa chọn phù hợp hơn, không cần thiết phụ thuộc vào Mỹ”, bà Graf nói.
Tổng chi phí để Thụy Sĩ mua và vận hành 36 chiến đấu cơ F-35A trong 30 năm ước tính lên tới 16,7 tỉ USD.
Sau khi đơn hàng được chính phủ phê duyệt, Quốc hội Thụy Sĩ sẽ phải quyết định xem có giải ngân khoản tiền khổng lồ hay không. Phiên thảo luận đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
Quốc hội Thụy Sĩ có thể tranh luận về chi phí và các điều khoản trong hợp đồng, nhưng không thể chọn hợp đồng khác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden là người tích cực thúc đẩy đơn hàng, khi tới Geneva, Thụy Sĩ, để họp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tháng trước.
Các nhà hoạt động Thụy Sĩ bày tỏ quan điểm phản đối, cho rằng một quốc gia chưa từng tham chiến ở nước ngoài trong 200 năm và không có kẻ thù tiềm tàng, không cần đến chiến đấu cơ hiện đại nhất.
Phe đối lập tin rằng nếu tổ chức trưng cầu dân ý, người dân sẽ bỏ phiếu phản đối. “Người dân không muốn những chiếc siêu xe Ferrari trên bầu trời (ám chỉ tiêm kích F-35), vì đơn giản là không cần thiết”, Marionna Schlatter, nghị sĩ đảng Xanh, nói.
Đăng nhận xét