WHO cho rằng biến chủng Delta lây lan nhanh nhưng không dẫn tới gia tăng tỷ lệ tử vong. Ảnh minh họa: Guardian
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hôm 30/7 tuyên bố, biến chủng Delta dễ lây lan hơn các biến chủng được phát hiện trước đó. Tuy nhiên, bà Maria lưu ý rằng, một số quốc gia ghi nhận số ca nhiễm biến chủng Delta tăng mạnh nhưng "không dẫn đến gia tăng tỷ lệ tử vong".
Tuyên bố của bà Maria được dựa trên con số thực tế. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca Covid-19 mới hàng ngày ở Mỹ tăng gấp 4 lần kể từ tháng 6. Nhưng số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày đã giảm một nửa kể từ tháng 4.
Tại Anh, hơn 1 triệu ca Covid-19 được ghi nhận trong tháng 6, gần bằng mức kỷ lục 1,3 triệu người hồi tháng 1, nhưng số ca tử vong vì dịch bệnh chỉ là 1.400 ca, ít hơn 1/20 so với số ca tử vong hồi tháng 1, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Bà Maria nhấn mạnh, vắc xin Covid-19 có hiệu quả trong việc ngăn bệnh tiến triển nặng và bệnh nhân tử vong. Dù người đã tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 và lây bệnh cho người khác, nhưng việc tiêm chủng giúp giảm phần lớn nguy cơ nhiễm và lây bệnh cho người khác.
Việc người đã tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm và lây lan virus cho người khác khiến CDC Mỹ khuyến cáo tất cả mọi người, dù đã tiêm hay chưa tiêm, nên đeo khẩu trang khi ở trong các khu vực có nguy cơ lây lan cao. Khuyến nghị này đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden chấp thuận.
Khuyến nghị mới của CDC Mỹ một phần dựa trên nghiên cứu cho thấy tải lượng virus SARS-CoV-2 vẫn rất lớn trong đường hô hấp của người đã được tiêm chủng, gây ra nguy cơ lây lan cao. CDC Mỹ khuyến nghị chính quyền tiếp tục giữ các biện pháp hạn chế, ngay cả khi đã hoàn thành tiêm chủng hàng loạt.
Việc CDC sử dụng nghiên cứu làm cơ sở cho khuyến nghị đeo khẩu trang đã gây tranh cãi ở Mỹ. Đảng Cộng hòa cáo buộc CDC lợi dụng nghiên cứu để "kiểm soát người Mỹ" vì nghiên cứu này chưa được đánh giá đồng cấp và được thực hiện ở Ấn Độ với các vắc xin Covid-19 chưa được cấp phép ở Mỹ.
Đăng nhận xét