Máy ảnh Sony Alpha ZV-E10 chuyên dùng cho livestream, quay phim 4K

Trái tim của Alpha ZV-E10 là cảm biến 24.2 megapixel APS-C Exmor CMOS và bộ xử lý hình ảnh BIONZ X có độ nhạy cao và khả năng tạo ra hiệu ứng bokeh xoá phông tự nhiên. Bên cạnh đó, Alpha ZV-E10 còn kèm theo tính năng “Background Defocus” cho phép chuyển đổi hậu cảnh mờ “bokeh” sang hậu cảnh rõ, và chế độ “Product Showcase Setting” cho phép máy ảnh tự động chuyển lấy nét từ khuôn mặt chủ thể sang vật thể được chọn.

Máy ảnh Alpha ZV-E10.

Máy ảnh này sở hữu thiết kế được tối ưu dành cho video, với trọng lượng khoảng 343g, tích hợp màn hình LCD với khả năng xoay lật cho phép nhà sáng tạo nội dung kết nối micro ngoài ở phía trên máy ảnh. Điều này giúp tối giản hệ thống trong khi vẫn cho phép người dùng sử dụng màn hình ở chế độ selfie từ góc cao đến thấp. 

Bên cạnh màn hình, Alpha ZV-E10 tích hợp một số tính năng dễ sử dụng được thiết kế dành riêng cho chụp ảnh và quay video, bao gồm phím Still/Movie/Slow and Quick đặt ở mặt trên máy ảnh cho phép người dùng chuyển đổi nhanh giữa các chế độ chỉ với 1 chạm.

Máy ảnh cũng tích hợp các tính năng nâng cao như quay video 4K và Slow Motion với chất lượng hình ảnh cao Full HD. Công nghệ chống rung điện tử với chế độ Active Mode góp mặt hứa hẹn sẽ đem đến những thước phim ổn định ngay cả khi đi bộ và quay cầm tay. Hơn nữa, công nghệ AF (lấy nét tự động) của Alpha ZV-E10 được hãng quảng cáo là lấy nét chính xác với khả năng bắt nét liên tục theo chủ thể.

Chi tiết về công nghệ lấy nét tự động, Alpha ZV-E10 tích hợp tính năng Hybrid AF (lấy nét lai) và Real-time Eye AF (lấy nét ánh mắt theo thời gian thực) dành cho video, Real-time Tracking (lấy nét thời gian thực) giúp máy ảnh có thể bắt nét theo khuôn mặt và mắt của chủ thể. Người dùng cũng có thể tuỳ biến khả năng lấy nét tự động của máy, điển hình là AF Transition Speed và AF Subject Shift Sensitivity, nhằm chọn giữa tốc độ chuyển đổi chủ thể nhanh hoặc chậm tuỳ theo ý đồ sáng tạo của mình.

Sony Alpha ZV-E10 sinh ra dành cho các nhà sáng tạo nội dung.

Bên cạnh đó, màn hình cảm ứng của Alpha ZV-E10 cho phép người dùng có thể nhanh chóng chọn vị trí lấy nét khi chụp ảnh chỉ bằng cách chạm vào màn hình. Và bằng cách với một chạm này, người dùng có thể ngay lập tức chuyển lấy nét đến chủ thể trong khung hình. Tính năng này tương thích với cả chụp ảnh lẫn quay video.

Sony Alpha ZV-E10 có thể thu được âm thanh chất lượng cao để tái hiện giọng nói của chủ thể, nhờ vào Directional 3-Capsule Mic tích hợp và bộ lọc gió. Để mở rộng lựa chọn về âm thanh, Alpha ZV-E10 được trang bị giao tiếp âm thanh kỹ thuật số thông qua chân cắm Multi Interface (MI) và jack 3.5mm để gắn thêm mic ngoài.

Một tính năng đặc biệt của Alpha ZV-E10 là cần zoom có thể điều khiển zoom quang học trên các ống kính hỗ trợ công nghệ Power Zoom và Clear Image zoom (zoom kỹ thuật số). Khi kết hợp máy ảnh với ống kính prime một tiêu cự, người dùng có thể zoom mà không cần lo về việc mất độ phân giải 4K. Máy ảnh có 8 tốc độ zoom để giúp người dùng mở rộng khả năng sáng tạo.

Alpha ZV-E10 được tích hợp pin cho thời lượng đến 125 phút hoặc 440 ảnh chụp với một lần sạc đầy. Khi quay trong nhà, phụ kiện cấp nguồn AC-PW20AM (mua thêm) có thể được sử dụng để người dùng không phải lo ngại về việc hết pin. Điện năng cũng có thể được cấp thông qua cổng USB Type-C, hỗ trợ dùng pin dự phòng để tăng thời lượng sử dụng khi quay bên ngoài. Để tiết kiệm pin, màn hình xoay lật của Alpha ZV-E10 cho phép đưa máy vào chế độ Power save mode bằng cách đóng lại và sẵn sàng chụp ngay khi mở ra.

Với ứng dụng Imaging Edge Mobile của Sony, người dùng có thể truyền hình ảnh và video đến thiết bị di động thông qua Wi-Fi. Tính năng này hỗ trợ cả ảnh RAW. Sau khi máy ảnh đã được kết nối với ứng dụng Imaging Edge Mobile, dữ liệu vị trí của file có thể được thu thập từ thiết bị di động và lưu lại. Người dùng có thể chuyển file từ thẻ nhớ SD trong máy ảnh đến smartphone thông qua Bluetooth ngay cả khi máy ảnh ở chế độ OFF.

Alpha ZV-E10 sẽ chính thức đến tay các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam với giá bán lẻ 18,9 triệu đồng.

Adblock test (Why?)