Trung Quốc đã quyết định đóng một trong hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông.
Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) ngày 30.7 thông báo dừng hoạt động lò phản ứng số 1 của nhà máy Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, để bảo trì "sau cuộc thảo luận dài giữa kỹ thuật viên Pháp và Trung Quốc.
Đài Sơn là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân EPR.
Lò phản ứng hạt nhân EPR được coi là tinh hoa của ngành công nghiệp điện hạt nhân Pháp. Hợp tác với Tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp (EDF), Trung Quốc đưa vào vận hành 2 lò phản ứng EPR đầu tiên cách đây 3 năm.
Lò phản ứng EPR dự kiến sẽ được xây tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Phần Lan, Pháp và Anh.
Trước khi đóng lò phản ứng hạt nhân, Trung Quốc từng xác nhận sự cố liên quan đến thanh nhiên liệu nhưng khi đó nói “vấn đề này không đáng lo ngại”.
CGN cũng khẳng định tình hình hoàn toàn “nằm trong tầm kiểm soát”. Các kỹ sư sẽ xác định nguyên nhân làm hư hại thanh nhiên liệu, khắc phục vấn đề này và thay thanh nhiên liệu hạt nhân mới, tuyên bố cho biết.
Tuần trước, tập đoàn EDF thông báo nếu có thể, họ sẽ ngay lập tức quyết định đóng lò phản ứng hạt nhân, do thanh nhiên liệu hư hại tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Tuy nhiên, phát ngôn viên của tập đoàn khi đó khẳng định sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của đối tác Trung Quốc.
Ngày 8.6.2021, Framatome, công ty con của tập đoàn EDF, gửi thư cho Bộ Năng lượng Mỹ, đề nghị hỗ trợ kỹ thuật để giải quyết "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra" tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn.
Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn là kết quả liên doanh giữa Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (51%), Tập đoàn Điện lực Pháp (30%) và Tập đoàn Năng lượng Quảng Đông (19%).
Đăng nhận xét