Đức đang đẩy mạnh tiêm vaccine trong bối cảnh biến thể Delta lây lan ở nhiều quốc gia.
Kết quả gây thất vọng vì mức độ hiệu quả thấp hơn nhiều so với các vaccine có cùng công nghệ mRNA như Pfizer-BioNTech và Moderna.
CureVac công bố vaccine của hãng có 48% hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 ở mọi lứa tuổi, theo RT. Tuyên bố dựa trên kết quả phân tích quá trình thử nghiệm giai đoạn hai và giai đoạn ba với 40.000 người ở 10 quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latin và châu Âu tham gia.
Kết quả cuối cùng nêu trên không gây bất ngờ bởi chỉ tăng 1% so với kết quả sơ bộ công bố hồi đầu tháng 6 (mức độ hiệu quả 47%).
Kết quả ở mức thấp này được đánh giá dựa trên hiệu quả của vaccine với nhiều biến thể khác nhau.
“Trong bối cảnh có 15 biến thể được ghi nhận ở thời điểm phân tích cuối cùng, vaccine CVnCoV chỉ có hiệu quả 48% ngăn ngừa Covid-19”, công ty cho biết, nhấn mạnh tỉ lệ hiệu quả ở lứa tuổi 18-60 cao hơn một chút, ở mức 53%.
Kết quả gây thất vọng trên khiến giá trị cổ phiếu công ty CureVac giảm mạnh, giảm tới 10% trong vài giờ giao dịch sau khi có kết quả cuối cùng. Cổ phiếu CureVac tăng trở lại khi công ty tuyên bố sẽ cải tổ hội đồng quản trị.
Điểm mạnh của vaccine CureVaC là khả năng bảo quản tốt trong điều kiện làm lạnh thông thường, không cần bảo quản ở nhiệt độ âm.
Trong số các loại vaccine được lưu hành trên thế giới hiện nay, vaccine Sputnik V của Nga cũng không cần bảo quản trong tủ đông lạnh đặc biệt.
Mức độ hiệu quả của vaccine CureVac không đáp ứng mức 50% mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra. Tuy nhiên, cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh Châu Âu không yêu cầu tỉ lệ 50% nên vẫn để ngỏ khả năng phê duyệt CureVac.
Ban đầu, chính phủ Đức dự định sử dụng CureVac cho chiến dịch tiêm chủng trong nước. Tuy nhiên, kết quả thấp đã khiến chính phủ tạm hoãn việc sử dụng loại vaccine này trong kế hoạch tiêm chủng từ nay tới năm 2022.
Năm ngoái, chính phủ Đức đã đầu tư 300 triệu euro cho CureVac và hiện nắm giữ 16% cổ phần ở công ty.
Đăng nhận xét