Một tiểu hành tinh, được kí hiệu là 441987 (2010 NY65), đang đi xuyên qua Hệ Mặt trời và tới gần Trái đất. Theo báo cáo, tiểu hành tinh có chiều dài 187 mét, kích thước này gấp đôi chiều cao của bức tượng Nữ thần Tự do, biểu tượng của New York. 441987 đang di chuyển với tốc độ đáng báo động 13,4 km/giây (48.000 km/giờ).
Theo phân tích của các chuyên gia, tiểu hành tinh sẽ tới gần Trái đất nhất vào ngày 25/6. Khi đó, nó sẽ ở vị trí cách Trái đất một khoảng gấp 15 so với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng. Mặc dù nó được coi là ở rất xa nếu tính theo đơn vị đo lường của Trái đất, tuy nhiên hành tinh này vẫn được liệt vào danh sách các Vật thể gần Trái đất (NEO) theo đơn vị thiên văn.
NASA cho biết thông tin trên trang web của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) rằng: "NEO là các sao chổi và tiểu hành tinh bị đẩy bởi lực hấp dẫn của các hành tinh lân cận khiến chúng đi vào quỹ đạo của Trái đất. Sự quan tâm của giới khoa học đối với sao chổi và tiểu hành tinh phần lớn là do tình trạng của chúng. Những vật thể này là mảnh vụn còn sót lại không thay đổi từ quá trình hình thành Hệ Mặt trời khoảng 4,6 tỷ năm trước. Các hành tinh như Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương đều được hình thành từ sự kết tụ của hàng tỷ sao chổi cũng như những mảnh vụn còn sót lại này."
Ngoài ra, tiểu hành tinh này cũng được coi là một trong những tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy cơ (PHA). Thuật ngữ "có khả năng gây nguy hiểm" không có nghĩa là một tiểu hành tinh sẽ gây ra mối đe dọa cho Trái đất. Thay vào đó, nó có nghĩa rằng ở đâu đó trong tương lai của Hệ Mặt trời, một tiểu hành tinh có thể va chạm với Trái đất.
Có một số yếu tố chưa xác định có thể ảnh hưởng đến đường đi của tiểu hành tinh, bao gồm cả lực hấp dẫn của các thiên thể khác trong Hệ Mặt trời. NASA cho biết: "Đôi khi, quỹ đạo của các tiểu hành tinh bị ảnh hưởng bởi các lực hấp dẫnkhác, khiến đường đi của chúng bị thay đổi. Các nhà khoa học tin rằng các tiểu hành tinh lạc hoặc mảnh vỡ từ các vụ va chạm trước đó đã từng đâm vào Trái đất trong quá khứ, và nó đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của hành tinh chúng ta."
Một lực được gọi là hiệu ứng Yarkovsky cũng có thể khiến một tiểu hành tinh đi chệch hướng. Hiệu ứng xảy ra khi một tảng đá không gian được đốt nóng dưới ánh nắng trực tiếp và nguội đi để giải phóng bức xạ khỏi bề mặt của nó. NASA cho biết: "Bức xạ này tác động một lực lên tiểu hành tinh, hoạt động như một loại động cơ đẩy có thể từ từ thay đổi hướng của tiểu hành tinh theo thời gian."
Đăng nhận xét